* Lương Văn Can sinh ngày 25-11-1854 quê ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây, đỗ cử nhân, nên người đương thời gọi cụ là cụ cử Can. Lương Văn Can và Nguyễn Quyền cùng với Nguyễn Quyền cùng với các nhà nho yêu nước đã thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội tháng 3-1907. Đây là một trường học kiểu mới, truyền bá tư tưởng yêu nước, mở mang dân trí, phát triển dân sinh, nhằm giải phóng dân tộc. Trường này bị đóng cửa sau 9 tháng hoạt động. Năm 1913, thực dân Pháp tìm cớ kết tội Lương Văn Can, với mức án 10 năm tù, đưa đi an trí ở Phnôm Pênh (Campuchia). Năm 1921, ông được tha trước hạn, trở về Hà Nội, và qua đời tại nhà số 4 Hàng Đào năm 1927, thọ 73 tuổi.
* Bùi Viện quê ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, sinh năm 1839 và mất ngày 25-11-1878.
So với các nho sĩ yêu nước đương thời, ông là người nhìn xa trông rộng, luôn coi trọng việc làm thực tế.
Về ngoại giao, ông Bùi Viện là người Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ và gặp tổng thống Hoa Kỳ để đặt quan hệ giữa hai nước.
Ông còn là người tổ chức và chỉ huy đội tuần dương quân từ dân chúng, bảo vệ vùng biển và nhân dân vùng ven biển phía bắc.
Bùi Viện xứng đáng được tôn vinh là nhà canh tân đất nước ta ở thế kỷ XIX.
* Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị: "Kháng chiến và kiến quốc".
Văn kiện quan trọng này đã xác định cách mạng nước ta vẫn là Cách mạng giải phóng dân tộc, kẻ thù chính của nhân dân ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.
Bốn nhiệm vụ của nhân dân ta lúc này là: Củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống của nhân dân. Nhiệm vụ bao trùm là củng cố chính quyền. Để củng cố chính quyền cách mạng lúc này, phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là:
- Quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
- Ra sức xây dựng chế độ mới.
* Học giả Trần Văn Giáp sinh năm 1898 tại Hà Nội, quê ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, qua đời ngày 25-11-1973.
Năm 1916, ông làm việc ở Trường Viễn đông Bác Cổ. Ít lâu sau ông sang Pháp học và tốt nghiệp trường Cao đẳng thực hành Xoócbon, Viện cao học Hán học và Trường văn hoá Hán học. Về nước ông lại tiếp tục làm việc ở trường Viễn đông Bác Cổ.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông công tác ở Bộ Giáo dục.
Năm 1954, ông làm việc ở Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa, Viện Sử học, viết nhiều công trình lịch sử, văn học có giá trị.
Các tác phẩm chính của học giả Trần Văn Giáp có:
- Phật giáo Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp)
- Lược sử khoa cử Việt Nam
- Lược truyện các tác giả Việt Nam
- Tìm hiểu kho sách Hán Nôm.
Thế giới
* Do đấu tranh để giải phóng Cuba , năm 1955 Phiđen Caxtơrô bị trục xuất sang Mêhicô. Tại đây, ông tập hợp những thanh niên là người Cuba yêu nước, quyên góp tiền mua sắm vũ khí, luyện tập quân sự.
Ngày 25-11-1956, Phiđen cùng 81 chiến sĩ đã từ Mêhicô đáp tàu "Granma" vượt biển trở về Tổ quốc. Sau 7 ngày lênh đênh trên mặt biển, các chiến sĩ đã đặt chân lên Tổ quốc Cuba, anh đã vượt qua vòng vây của địch, rút về vùng núi Xiêra Maêxtơra hiểm trở về xây dựng căn cứ địa cách mạng.