Một số sự kiện trong ngày 26 tháng 11:

00:00, 26/11/2014

* Nguyễn Văn Thoại, còn gọi là Thoại Ngọc Hầu, sinh ngày 26-11-1761, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là một nhà doanh điền lớn. Năm 1818 ông đốc suất dân binh đào kênh Đông Xuyên ở Long Xuyên, sau mang tên ông là kênh Thoại Hà. Tiếp đó, năm 1820, ông được lệnh của Vua Minh Mạng cho đào một con kênh nối liền Châu Đốc với Hà Tiên, dài gần 100 km mang tên vợ ông là kênh Vĩnh Tế. Đây là một đường thuỷ tiện lợi giao thông, đồng thời làm sạch phèn, tưới nước ngọt cho một diện tích lớn trồng cây ở Hà Tiên và Rạch Giá. Ông Thoại Ngọc Hầu mất năm 1829.    

* Ngày 26-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định tổ chức ngành thương mại nước ta. Từ đó đến nay, ngành thương mại đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước qua các giai đoạn cách mạng, ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.

 

* Ngày 26-11-1974, khởi công xây dựng cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng ở Hà Nội.
Sau gần 10 năm, đến tháng 5-1984, cây cầu này mới được xây dựng xong. Phần cầu chính trên sông dài 1688 mét gồm 15 nhịp thép - Nếu tính cả cầu dẫn thì phần đường sắt dài 5.500 mét, đường ôtô dài 3.000.
Cầu Thăng Long là cây cầu lớn nhất và hiện đại nhất của Thủ đô Hà Nội. Cầu vượt Sông Hồng, cách cầu Long Biên 11 km về thượng lưu. CTL có hai tầng. Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435 mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5 m (có thể chạy ô tô 10 tấn). Tầng trên là đường ô tô rộng 15 m (cho bốn làn xe H30), hai bên là đường dùng cho người đi bộ rộng 1,5 m. Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) là 5.503 m, tính theo đường ô tô (tầng trên) là 3.115 m, tính theo đường xe thô sơ là 2.658 m. Phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Móng trụ cầu chính đều dùng giếng chìm (trong đó có 4 trụ là giếng chìm chở nổi, ngoài ra là giếng chìm đắp đảo). Phần cầu dẫn ở hai bên bờ đều dùng dầm bê tông dự ứng lực (dầm đường sắt và đường xe thô sơ đều là dự ứng lực căng sau, dầm đường ô tô dùng dự ứng lực căng trước). Các trụ cầu dẫn đều dùng móng cọc ống phi 55 cm. CTL khởi công 1974, hoàn công cuối 1985; là cầu kim loại lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

 

* Ngày 26-11-1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 83CT/TW về việc phát thẻ Đảng viên.
Việc phát thẻ Đảng viên là công tác quan trọng, có ý nghĩa giáo dục chính trị sâu sắc để nâng cao hơn nữa ý thức Đảng, tinh thần phấn đấu cách mạng, thúc đẩy cuộc "vận động xây dựng Đảng vững mạnh và trong sạch", đưa công tác đảng viên vào nền nếp, ngăn ngừa kẻ địch và phần tử xấu chui vào Đảng.
 
* Ngày 26-11-1963, dòng điện của Nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh) đã hoà nhập với lưới điện miền Bắc nước ta.
Nhà máy này được xây dựng từ giữa năm 1961, có công suất 48.000 kilôoat.
Cuối năm 1973, Nhà máy điện Uông Bí được Nhà nước tuyên dương là đơn vị Anh hùng lao động. Đến cuối năm 1977, Nhà máy hoàn thành việc xây dựng mở rộng, nâng công suất lên 153.000 kilôoát
 
* Ngày 26-11-1982, khánh thành Xí nghiệp Liên hợp Giấy Vĩnh Phú, nay là Công ty Giấy Bãi Bằng ở Phong Châu tỉnh Phú Thọ.
Đây là công trình hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển, có thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín.
Sản phẩm của Công ty Giấy Bãi Bằng gồm các loại giấy in, giấy viết, giấy photocopy, giấy kẻ ngang, giấy máy vi tính và giấy vở học sinh.