* Nhà văn Doãn Kế Thiện sinh ngày 27-12-1891, quê ở huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, mất năm 1965. Ông đã gắn bó cả tuổi trẻ với sự nghiệp với cố đô Thăng Long - Hà Nội. Ông còn làm thơ, viết văn, viết báo, và là nhà Hà Nội học đầu tiên của Thủ đô. Với các bút danh Tú Sơn, Long Thành, Sơn Vân, Sở Bảo, nhà văn Doãn Kế Thiện còn để lại nhiều tác phẩm: Hà nội cũ (1943), Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội (1959), Danh nhân Việt Nam, cùng nhiều các bài báo bài thơ, dịch thơ Đường, thơ Tống. Toàn bộ sáng tác của ông toát lên cái nhìn của một nhà nho, một nhân sĩ trí thức đi theo Cách mạng.
* Ngày 27-12-1996, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Tổng thể đô thị khu công nghiệp và cảng bến nước sâu Chân Mây" (ở tỉnh Thừa Thiên - Huế)
Vịnh này có lợi thế để xây dựng một cảng nước sâu phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá giữa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Nằm trong cụm cảng vùng trọng điểm miền Trung, cảng Chân Mây còn đóng vai trò điều phối khối lượng hàng hoá chu chuyển thích hợp cho vùng Trung Bộ. Dự án xây dựng khu đô thị khu công nghiệp và cảng bến nước Chân Mây được xem là một đột phá khẩu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế, đưa tỉnh này vươn lên hoà nhập cùng quá trình phát triển chung của đất nước.
Thế giới
* Iôhannét Kêplơ (Johannes Kepler) - Nhà thiên văn nổi tiếng Đức, là một trong những người đặt nền móng cho thiên văn học hiện đại - sinh ngày 27-12-1571.
Ông đi sâu nghiên cứu hình học, thiên văn học và sáng tác ra một loại sách lịch, trong đó có bàn về chiêm tinh. Ông đã chứng minh được ba định luật quan trọng, sau này mang tên ông, về sự chuyển động của hành tinh. Ông viết các cuốn: "Tân thiên văn", "Sự hoà hợp của vũ trụ", có giá trị khoa học cao. Ông thiết lập ngành quang hình học, hoàn thiện khoa giải phẫu mắt.
Ông mất ngày 15-11-1630.
* Lu-i Paxtơ (Louis Pasterur) sinh ngày 27-12-1822, qua đời năm 1895.
Là tiến sĩ vật lý và hoá học người Pháp, ông trở nên nổi tiếng khi công bố một báo cáo khoa học về tinh thể học.
Từ năm 1862, ông tập trung nghiên cứu vi sinh vật. Các nghiên cứu của ông về bệnh dại đã gây nên những cuộc bút chiến mạnh mẽ và dẫn tới việc điều chế được vắc xin phòng chống bệnh dại.
Viện nghiên cứu về vệ sinh dịch tễ ở thủ đô Pari đã được mang tên ông. Từ Viện này, trên khắp châu lục đã hình thành các viện Paster quốc gia. Công lao và cống hiến khoa học của ông giúp cho loài người tránh được một số bệnh nan y.
* 27-12-1950, Mỹ và Tây Ban Nha nối lại quan hệ kể từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha những năm 1930.