* Ngày 25/2/1944, Trung đội Cứu quốc quân thứ Ba được thành lập tại khu rừng Khuổi Kịch (Châu Sơn Dương, Tuyên Quang). Trung đội gồm 24 chiến sĩ, hoạt động trên địa bàn Đại Từ, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Vĩnh Yên. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng làm lễ công nhận đơn vị.
* Từ ngày 25 đến 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập Hội nghị tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) với sự tham dự của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt...
Nghị quyết Hội nghị đề cập một cách toàn diện các công tác chuẩn bị như: Tăng cường tổ chức Đảng, xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng vũ trang... Đặc biệt Hội nghị đã thông qua "Đề cương văn hoá Việt Nam", một văn kiện quan trọng về đường lối văn hoá của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, văn kiện này đã góp phần mở ra một mặt trận trên lĩnh vực văn hoá, góp phần thu hút các lực lượng trí thức, các nhà văn hoá yêu nước trong sự nghiệp chống lại kẻ thù dân tộc và đặt nền móng xây dựng nền văn hoá mới.
* Ngày 25/2/1966, tại Hà Nội, những người làm công tác sử học đã tiến hành Đại hội thành lập Hội khoa học lịch sử Việt Nam.
Hội khoa học lịch sử Việt Nam là một hội nghề nghiệp có hệ thống từ Trung ương đến các địa phương. Từ ngày ra đời đến nay, Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã đóng góp to lớn vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy bộ môn lịch sử. Nhiều công trình khoa học được công bố có giá trị lịch sử và thực tiễn cao. Nhiều nhà sử học đã đóng góp vào việc lưu giữ và biên soạn các bộ sách sử có giá trị.
* Nhà soạn kịch Đào Tấn, sinh 25/2/1845 tại quê làng Vĩnh Thịnh, xã Phúc Lộc, tỉnh Bình Định.
Năm Đinh Mão 1867, ông đỗ cử nhân, làm Tổng đốc Nghệ An, sau vinh thăng Hiệp tá Đại học sĩ. Vì chống tên Việt gian đại gian ác Nguyễn Thân, nên bị cách chức lui về quê nhà ở ẩn khoảng năm 1902.
Ông nổi tiếng thanh liêm, công bình, được hầu hết sĩ phu trọng vọng, lại giỏi văn chương, thích soạn tuồng hát. Chính ông sáng lập ra bộ môn hát bội ở Bình Định. Tại quê nhà ông có lập một trường dạy kịch nghệ gọi là Học bộ đình.
Các tác phẩm của ông gồm tập: Mộng mai thi tồn, Mộng mai từ lục, Mộng mai ngâm thảo, Mộng mai văn sao đều viết bằng chữ Hán, còn hầu hết là các vở tuồng xuất sắc: Quần trân hiếu thoại, Tứ quốc lai vương... Đào Tấn là nhà soạn tuồng cao nhất về chất lượng cũng như về số lượng của bộ môn nghệ thuất sân khấu Việt Nam từ trước tới nay.
* Nhà văn Phạm Duy Tốn sinh năm 1881, quê ở tỉnh Hà Tây, qua đời ngày 25/2/1924.
Ông tốt nghiệp trường thông ngôn, làm việc ở toà thống sứ Bắc Kì, rồi làm ở Ngân hàng Đông Dương. Ông còn viết báo ở Hà Nội và Sài Gòn.
Hai truyện ngắn của ông Sống chết mặc bay (năm 1918) và Con người Sở Khanh diễn tả cảnh đen tối, thối nát của xã hội thuộc địa nửa phong kiến được coi là tác phẩm mở đường cho thể loại truyện ngắn ở miền Bắc nước ta.