* Ngày 2-3-1926, Học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Huế đã kéo đến toà Khâm sứ Trung kỳ đưa ra 3 yêu sách: Nâng cao chương trình học - Không nhục mạ học sinh - Cải thiện đời sống học sinh. Chính quyền thực dân một mặt hứa hẹn chấp nhận yêu sách, một mặt điều lính đến đàn áp. Các học sinh kiên trì bãi khoá và kéo dài cuộc đấu tranh. Cuối cùng chính quyền thực dân ở đây phải nhượng bộ.
* Ngày 2-3-1943, Bác sĩ Iécxanh qua đời tại Nha Trang. Ông là một nhà vi trùng học nổi tiếng người Pháp gốc Thụy Sĩ. Từ cuối nǎm 1889, ông tới Việt Nam, cuộc đời ông dành hầu hết thời gian và tâm huyết cho các cuộc thám hiểm và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, mà tập trung là Tây Nguyên. Ông đã góp phần phát hiện ra cao nguyên Lang Bian và ra đời thành phố du lịch Đà Lạt. Ông đã có nhiều cống hiến lớn trong ngành vi trùng học, như việc phát hiện ra loại virút dịch hạch. Dưới sự chỉ đạo của ông, hoạt động của viện Paxtơ ở Sài Gòn, Nha Trang được tiến triển. Ông là người chịu trách nhiệm xây dựng trường thuốc ở Hà Nội nǎm 1904, là người lãnh đạo Viện Paxtơ Đông Dương cho tới khi qua đời. Hiện nay, ở Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội đều có đường phố mang tên ông. Người dân Nha Trang còn lưu giữ nhiều tình cảm và kỷ niệm đẹp về ông.
* 8 giờ sáng ngày 2-3-1946 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội hơn 300 đại biểu đã dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một trong những công việc quan trọng của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I là việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Chính phủ gồm 10 vị bộ trưởng và Bác Hồ được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Chính phủ. Vào lúc 10 gờ 30 phút Chính phủ tuyên thệ (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc): "Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Tối cao cố vấn đoàn và uỷ viên kháng chiến, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, xin thề cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc..."
Đúng 11 giờ cùng ngày, phiên họp bế mạc. Trước khi kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu thay mặt Chính phủ và Người đề ra khẩu hiệu sau: Kháng chiến thắng lợi - Kiến quốc thành công - Việt Nam độc lập muôn nǎm.
* Sau khi hiệp định Pari về lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký, ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập ở Pari. Gồm đại biểu của Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, 4 bên tham gia ký hiệp định và 4 nước trong uỷ ban giám sát quốc tế (Ba Lan, Canađa, Hunggari và Inđônêxia). Tất cả các nước dự Hội nghị đã ký vào bản định ước ghi nhận và bảo đảm hiệp định Pari và các nghị định thư kèm theo được thi hành nghiêm chỉnh.
* Ngày 2-3-1979, Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam được ban hành theo quyết định số 121 - TCTK/PPCA. Danh mục này được xác lập trên cơ sở các đặc điểm sinh hoạt vǎn hoá và ý thức của các dân tộc ở Việt Nam. Hiện nước ta có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán và sắc thái riêng đã góp phần làm rực rỡ vườn hoa dân tộc Việt Nam đủ mầu sắc. Truyền thống Đại đoàn kết các dân tộc ngày nay được tôn trọng và phát huy.