Một số sự kiện trong ngày 2 tháng 4:

00:00, 02/04/2015

* Ngày 2-4-1975, sư đoàn 10 và trung đoàn 25 bộ binh của ta đã tiêu diệt cụm phòng thủ của trung đoàn 40 (thuộc sư đoàn 22 ngụy), giải phóng quận lỵ Khánh Dương, tiêu diệt lữ đoàn 3 (thuộc sư đoàn dù) ở đèo (Phượng Hoàng), mở thông đường xuống Ninh Hoà, rồi theo đường số 21, tiến xuống giải phóng thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh. Cùng ngày 2-4-1975 ta còn giải phóng Bình Long.

 

* Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2-4-1904 tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nho giáo thanh bạch. Nǎm 20 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng, bị thực dân Pháp bắt nhiều lần, 2 lần vượt ngục. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí đã giữ nhiều trọng trách: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban kiểm tra Trung ương, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô, Tổng thanh tra của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ trần nǎm 1979. Đồng chí đã để lại một tấm gương sáng về tính mẫu mực và đạo đức Cách mạng. Tình cảm về Anh Cả - đồng chí Sao Đỏ còn in đậm trong tâm trí những người cộng sản Việt Nam. Ở Hà Nội có một đường phố mang tên Nguyễn Lương Bằng.

 

* Huỳnh Vǎn Nghệ sinh ngày 2-4-1914 tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, nay thuộc tỉnh Bình Dương, qua đời ngày 5-3-1977 tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ tuổi thanh niên, ông đã tham gia hoạt động cứu nước - Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm phó khu trưởng khu 7 (miền đông Nam Bộ), chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng với bí danh Tám Ngãi, được phong quân hàm Thiếu tướng. Sau ngày hoà bình lập lại, ông chuyển ngành, giữ chức Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp.
Thời còn trẻ, Huỳnh Vǎn Nghệ sáng tác nhiều thơ vǎn thể hiện tình yêu nước, nghĩa đồng bào. Ngày nay, nhiều người còn nhớ mấy câu thơ của ông đối với miền Bắc và Thủ đô Hà Nội:

Ai về xứ Bắc, ta theo với
Thǎm lại quê hương giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở nước,
Ngàn nǎm thương nhớ đất Thǎng Long.

 

* Với thắng lợi của phong trào bình dân ở bên Pháp, tại Đông Dương, Mặt trận dân chủ ra đời và thực hiện đấu tranh công khai. Ngày 2-4-1938, Báo Tin tức - Cơ quan của Mặt trận dân chủ ra số đầu tiên. Tờ báo do đồng chí Trường Chinh phụ trách ban Tuyên truyền cổ động của TW Đảng Cộng sản Đông Dương đứng ra làm chủ nhiệm. Báo Tin tức đặt trụ sở tại Hà Nội và trở thành trung tâm chỉ đạo phong trào Mặt trận dân chủ ở Bắc Kỳ. Thông qua tờ báo, Đảng Cộng sản Đông Dương tập hợp và chỉ đạo phong trào cả nước cả về tổ chức và tuyên truyền. Báo ra mỗi tuần 2 số với lượng phát hành 7.000 bản/số. Ngày 19-10-1938 Báo Tin tức ngừng ra báo ở số 43. Cũng thời gian này Xứ ủy Bắc Kỳ đã ra báo Đời nay và báo này làm tiếp chức nǎng khi tờ Tin tức ngừng xuất bản.

 

* Ngày 2-4-1985, tại thủ đô Phnôm Pênh, Bộ Quốc phòng nước CHND Campuchia và Hội đồng toàn quốc mặt trận đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Campuchia đã tổ chức trọng thể lễ trao tặng Huân chương CHND Campuchia cho binh đoàn 52 và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất cho các đoàn 7703, 7706, 9906 quân tình nguyện Việt Nam, nhân dịp các đơn vị này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.

 

Thế giới

 

* Ngày 2-4-1805, Hanxơ Crixtian Anđécxen (Hans Christian Andersen) đã sinh ra ở nước Đan Mạch, và qua đời vào ngày 4-8-1875. Anđécxen là nhà vǎn nổi tiếng thế giới về những chuyện kể cho thiếu nhi. Là con một người thợ giầy, từ bé Anđécxen đã ham thích những chuyện cổ dân gian.
Những sáng tác của Anđécxen bắt rễ từ đời sống thực tế - ông nói: "Không có truyện kể nào hay hơn được những điều do chính cuộc sống tạo nên". Bút pháp Anđécxen vừa trào lộng, vừa trữ tình, vừa lãng mạng, vừa hiện thực. Tác phẩm của ông thể hiện rõ tính nhân dân sâu sắc.
Ở Việt Nam, bạn đọc nhỏ tuổi và cả người lớn đều rất thích đọc các truyện của Hanxơ Crixtian Anđécxen, qua tác phẩm "Truyện cổ Anđécxen".

 

* Hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm giáo hoàng mới với danh hiệu Benedict XVI sau khi Giáo hoàng John Paul II qua đời ngày 2-4-2005. Sự qua đời của Giáo hoàng John Paul II - vị giáo hoàng không phải người Italia trong vòng 455 năm qua - đã kết thúc triều đại dài hơi thứ ba (26 năm) trong lịch sử giáo hội Công giáo. Như thể đánh dấu ảnh hưởng to lớn này, hàng triệu người, trong đó có các nguyên thủ các quốc gia lớn trên khắp thế giới đã đến dự lễ tang của Ngài. Đức Hồng y Joseph Ratzinger người Đức đã tiếp tục đường lối của vị tiền nhiệm, trở thành vị giáo hoàng mới và lập tức bỏ qua khoảng thời gian phải chờ đợi thông thường để thúc tiến việc phong thánh cho Đức John Paul II.