* Ngày 13-5-1954 Lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể tại cánh đồng Mường Thanh - Trung tâm tập đoàn cứ điểm của địch vừa bị tiêu diệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tư lệnh chiến dịch thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ tuyên dương công trạng các đơn vị tham gia chiến dịch, các đơn vị trong toàn quân, đồng bào ở địa phương trong cả nước đã tạo nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Nhân dịp này đại đoàn 312 đã được nhận cờ "Quyết chiến quyết thắng".
* Cầm Bá Thước, người dân tộc Thái, sinh năm 1859 tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá, trong một gia đình làm lang đạo.
Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, ông đã chọn quê hương Trình Vạn làm căn cứ khởi nghĩa. Lực lượng nghĩa quân phát triển nhanh chóng, không chỉ hoạt động ở vùng Thường Xuân, Lang Chánh mà còn ở Ngọc Lặc, Như Xuân, Quan Hoá (thuộc Thanh Hoá) và còn phối hợp với cả nghĩa quân Lang Văn Thiết, Lang Văn Hạnh ở miền Tây Nghệ An. Nghĩa quân do Cầm Bá Thước chỉ huy đã tập kích các đồn lẻ của địch, đánh các cánh của địch đi càn quét trong vùng.
Tháng 5-1895, bọn thực dân Pháp đã tập trung lực lượng đánh lớn vào căn cứ của nghĩa quân ở Hòn Bòng. Sau 4 ngày bọn giặc mới vào được trung tâm căn cứ. Cầm Bá Thước sa vào tay giặc ngày 13-5-1895.
Giặc Pháp đưa ông về quê, dụ dỗ và mua chuộc ông nhưng không lay chuyển được ông. Chúng đã xử tử Cầm Bá Thước khi ông mới 36 tuổi.
* Theo hiệp định Giơnevơ 1954 Quân Pháp ở miền Bắc phải rút về khu vực tập kết tại Hải Phòng và chuẩn bị rút toàn bộ quân viễn chinh khỏi Đông Dương. Chúng buộc phải cuốn gói nhưng lại cấu kết với đế quốc Mỹ và tay sai phản động thực hiện chiến dịch cưỡng ép di cư, nhằm vơ vét sức người, sức của vào miền Nam chuẩn bị cho cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ đối với ta. Hải Phòng trở thành điểm nóng của toàn quốc.
Phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân Hải Phòng phát triển mạnh mẽ. Cán bộ, bộ đội đi sát những người bị dụ dỗ, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, vận động hàng chục vạn người bỏ các trại di cư. Công nhân đoàn kết, đấu tranh chống tháo dỡ di chuyển máy móc. Nông dân vận động được hai vạn binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch. Học sinh trí thức sôi nổi tham gia đấu tranh bảo vệ học đường, công trình văn hoá.
Ngày 13-5-1955 lịch sử, khắp nội ngoại thành Hải Phòng sống lại không khí sôi nổi hào hứng của những ngày Cách mạng tháng Tám. Quân ta đã tiến vào tiếp quản Hải Phòng thắng lợi. Hải Phòng sạch bóng thù. Tên lính viễn trinh cuối cùng của thực dân Pháp xâm lược đã rút khỏi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
* Ngày 13-5-1959, Hồ Chủ tịch đã về thăm Nhà máy in Tiến Bộ.
Nhà máy in này đã được khánh thành năm 1958 do nước Cộng hoà dân chủ Đức giúp ta xây dựng tại nhà số 175 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Nhà máy xây dựng trên nền nhà tiền, một nhà tù lớn của thực dân Pháp tại Hà Nội.
* Ngày 13-5-1968, khai mạc phiên họp đầu tiên của cuộc hội đàm giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Mỹ tại Pari. Trong phiên họp, Bộ trưởng Xuân Thuỷ nhấn mạnh mục đích của cuộc nói chuyện này "là để xác định với phía Mỹ việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam dân chủ cộng hoà". Bộ trưởng nêu rõ những thất bại ngày càng nặng của đế quốc Mỹ và tố cáo những luận điệu hoà bình của Tổng thống Mỹ. Bộ trưởng nêu bật 4 điểm chính nghĩa của Chính phủ Việt Nam.
Hội nghị Pari đã mở đầu thời kỳ ta tiến công trực tiếp về ngoại giao trên bàn hội nghị, là một diễn đàn rất quan trọng để ta vạch mặt xâm lược tàn bạo và ngoan cố của đế quốc Mỹ.
* Ngày 13-5-1975, ngành bưu điện đã chuyển chuyến thư đầu tiên của đồng bào Sài Gòn, Gia Định gồm 15.600 bức thư ra miền Bắc sau hơn 20 năm gián đoạn. Cũng từ ngày 13-5-1975, ngành bưu điện đã nhận chuyển thư từ miền Bắc vào Sài Gòn.
Đồng thời, trong ngày 13-5-1975, chuyến tàu biển đầu tiên có sức chở 10.000 tấn của miền Bắc vào thăm đồng bào Sài Gòn - Gia Định đã cập bến cảng Sài Gòn.