Một số sự kiện trong ngày 9 tháng 5:

00:00, 09/05/2015

* Ngày 9-5-1972, Mỹ phong toả miền Bắc nước ta lần thứ hai. Chỉ trong vòng 10 ngày, chúng đã rải 43 bãi thuỷ lôi với hàng nghìn quả trên cửa sông, cửa biển, hải cảng, đường hàng hải quốc tế, các khu chuyển tải và vùng ven biển miền Bắc nước ta.

 

* Nhà văn Nguyễn Thi còn có một bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, sinh ngày 15-5-1928, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ông sống ở miền Nam từ thuở nhỏ. Năm 1946, ông vào bộ đội, chiến đấu tại Nam Bộ, năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1962, ông trở lại phục vụ các chiến trường ở Nam Bộ.
Nhiều tác phẩm của ông được bạn đọc yêu thích như các truyện tập ngắn: Trăng sáng, Đôi bạn, Người mẹ cầm súng, Truyện và ký. Ông hy sinh ngày 9-5-1968 trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Nơi ông hy sinh với tư thế một chiến sĩ cảm tử nay được mang tên ông - đường Nguyễn Thi, thành phố Hồ Chí Minh.

 

* Vào ngày 9-5-1959, cái gọi là Quốc hội của chính quyền Ngô Đình Diệm thông qua đạo luật 10-59, đưa máy chém đi khắp miền Nam để tàn sát các chiến sĩ Cách mạng và đồng bào yêu nước.
Chúng thiết lập ba toà án quân sự đặc biệt ở Sài Gòn, Buôn Ma Thuột và Huế.
Toà án này có quyền "đưa thẳng bị can ra xét xử, không cần mở cuộc thẩm cứu", nghĩa là có quyền xử tử tại chỗ, công khai tàn sát nhân dân với những cực hình man rợ thời trung cổ. Theo con số ước tính đến năm 1959 ở miền Nam có 466.000 người bị bắt, 400.000 người bị tù đày, 68.000 người bị giết hại. Theo số liệu của địch mà ta thu được, trong vòng 10 tháng (từ tháng 7-1955 đến tháng 5-1956) chúng đã bắt, giết 108.000 người. Không khí khủng bố đè nặng lên những thôn ấp ở miền Nam.

 

* Ngày 9-5-1971, hàng triệu đồng bào Phật tử ở Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam đến các chùa để cầu nguyện hoà bình, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược.
Tại thành phố Huế có hơn 2 vạn Phật tử tham gia cuộc biểu tình chống Mỹ.
Tại Đà Nẵng, Quy Nhơn có hàng vạn đồng bào xuống đường tuần hành, giương cao các khẩu hiệu đòi hoà bình.
Tại Quảng Ngãi, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Mỹ Tho, hàng chục vạn đồng bào, phật tử kéo đến các chùa, hội họp, yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta.

 

* Ngày 10-5-1972, các chiến sĩ công binh hải quân có mặt kịp thời ở tây bắc Đèn Nơm, cửa Nam Triệu, Hải Phòng. Sau 4 ngày căng thẳng, các chiến sĩ đã dũng cảm mưu trí tháo gỡ được quả MK52 đầu tiên. Đây là loại thuỷ lôi mới, hiện đại tinh vi, có sức công phá lớn của địch.

Chính nhờ sự quả cảm của những người đối mặt với tử thần như thế, ngày 18-1-1973, chúng ta đã tuyên bố thông luồng.

 

* Công trình cầu Thăng Long được khởi công với sự viện trợ của Trung Quốc, nhưng rồi bị bỏ dở. Trên cơ sở hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Liên Xô ký ngày 1-11-1978, Liên Xô nhận viện trợ và giúp Việt Nam xây dựng cầu Thăng Long.
Qua hơn mười năm kể từ ngày khởi công, chiếc cầu lớn hai tầng đồ sộ, cao 14m đã hoàn thành vắt ngang sông Hồng suốt chiều dài hơn 5 km. Như vậy lần đầu tiên những người thợ cầu Việt Nam đã thực hiện những biện pháp thi công hệ trụ cầu với nhiều phương pháp. Một điều quan trọng là ngành cầu Việt Nam đã thực sự trưởng thành. Ta đã có một đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề. Cùng với các công trình khác, cầu Thăng Long đã đi vào lòng người như những điểm sáng, xứng đáng là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt - Xô.
Ngày 9-5-1985 cầu Thăng Long chính thức thông xe và đưa vào sử dụng.

 

Thế giới


* Sau thắng lợi của hồng quân Liên Xô trong chiến dịch công phá Beclin và sau khi quân đội đồng minh gặp nhau bên bờ sông Enbơ, ngày 9-5-1945 đại diện nước Đức bại trận đã phải ký văn bản đầu hàng không điều kiện. Đây là chiến thắng vĩ đại của loài người chống chủ nghĩa phát xít mà sự đóng góp và sự hy sinh của nhân dân Liên Xô có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ đây cục diện thế giới đã nghiêng về phía hoà bình. Chủ nghĩa xã hội đã khẳng định vai trò của mình trên trường quốc tế.