Ngành CN ôtô thất bại: Bộ Công Thương có nhận trách nhiệm?

08:35, 28/10/2007

Thời gian qua, rất nhiều phương tiện truyền thông - trong đó có Báo Lao Động - đề cập đến sự thất bại của ngành công nghiệp ôtô VN. Cụ thể, trong khoảng 15 năm xây dựng và phát triển, tỉ lệ nội địa hoá của ngành ôtô không đạt như cam kết, lắp ráp vẫn hoàn lắp ráp, giá xe vẫn đắt đỏ nhất thế giới...

Các trách nhiệm đều đã được mổ xẻ. Tuy nhiên, chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này là Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp), thì vẫn cứ im lặng một cách đáng sợ!

Chiến lược bất ổn

Dung lượng ôtô lắp ráp trong nước còn quá ít, thị trường ôtô VN còn quá nhỏ bé, giá cả ôtô quá đắt đỏ, thuế NK ôtô và thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao vì ôtô bị xem như một thứ xa xỉ phẩm v.v..., tất tật, đều có nguyên nhân từ gốc. Cái gốc ở đây chính là chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô VN.

Như các bài viết trước đây chúng tôi đã phân tích, chiến lược do Bộ Công nghiệp trước đây xây dựng đã chọn con đường bảo hộ sâu cho các nhà liên doanh lắp ráp ôtô trong nước, nhưng vô hình trung từ đó lại bóp chặt thị trường. Quan điểm xây dựng chiến lược một cách phiến diện và lệch lạc này đã dẫn đến các sắc thuế đối với ôtô cũng bị lệch theo.

Cụ thể, thuế NK ôtô nguyên chiếc quá cao, thuế tiêu thụ đặc biệt biến việc mua sắm xe ôtô thành trò xa xỉ... Những chính sách thuế Bộ Tài chính đưa ra cũng chỉ là một sự phản ánh trung thực nhất sự sai lầm trong chiến lược xây dựng ngành công nghiệp ôtô VN của Bộ Công Thương mà thôi. Như vậy, các sắc thuế trên chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Bộ Tài chính gần đây trước áp lực của thị trường và chủ trương kìm hãm lạm phát của Chính phủ, đã có những điều chỉnh phần ngọn rất cần thiết. Song dù thế nào đi nữa, sự điều chỉnh của Bộ Tài chính cũng không thể giải quyết hết được vấn đề của ngành công nghiệp ôtô hiện nay.

Bởi nếu điều chỉnh quá sâu về phần ngọn thì e rằng lại làm cho thị trường bất ổn - cụ thể là sự xung đột về quyền lợi của các nhà NK xe ôtô nguyên chiếc với các nhà lắp ráp ôtô trong nước. Vì thế, cái cần điều chỉnh là gốc của vấn đề, là quan điểm, tư duy xây dựng chiến lược ngành công nghiệp ôtô VN của Bộ Công Thương, cần phải được sửa sai từ gốc, và phải nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi cho kịp thời với trào lưu thị trường hiện nay.

Bao giờ mới điều chỉnh?

Vừa qua Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tuyên bố sẽ tiếp tục giảm thuế NK ôtô nguyên chiếc nếu giá ôtô trong nước không giảm. Dư luận thấy phấn khởi vì điều đó là khả thi vì hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng sẽ đề nghị Bộ Công Thương đánh giá lại một cách tổng thể nền công nghiệp ôtô xem đã làm được gì và không làm được gì, cái gì cần điều chỉnh. Dư luận không chắc lắm là đề nghị trên được tiếp nhận một cách nghiêm túc. Về mặt quản lý nhà nước, hai bộ phụ trách những vấn đề khác nhau, song lại đồng cấp, chắc gì ai bảo được ai?

Và trên thực tế, sự "lệch tâm" của chiến lược xây dựng ngành công nghiệp ôtô VN đã được cảnh báo từ nhiều năm nay, và Bộ Công nghiệp trước đây không phải không nhận ra vấn đề, nhưng bộ này vẫn im lặng, thì liệu tiếng nói của bộ này đối với bộ kia có sức épphê?

Nhiều chuyên gia thiên về lập luận: Chính phủ phải vào cuộc và cần yêu cầu Bộ Công Thương có đánh giá toàn diện và báo cáo rõ ràng về việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ôtô VN trong những năm qua. Bộ Công Thương phải nhìn nhận trách nhiệm như thế nào trong sự thất bại trên? Cho dù chiến lược hiện hành đã cho thấy rõ sự thất bại, nhưng việc xây dựng ngành công nghiệp ôtô vẫn rất cần thiết.

Nếu Chính phủ kịp thời yêu cầu Bộ Công Thương sửa sai sớm, nhanh chóng điều chỉnh lại chiến lược, thì sẽ đỡ lãng phí thời gian và các tiềm năng khác của quốc gia.