Dòng xe chiến lược quốc gia: Loại nào?

07:44, 09/10/2009

Ngành công nghiệp ô tô VN đã có sự góp mặt của nhiều “đại gia” thế giới nhưng 17 năm qua vẫn chưa đạt mục tiêu nâng cao nội địa hóa để có xe giá rẻ

 

Ngày 8-10, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ các bộ ngành liên quan về dự án xe chiến lược quốc gia. Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo Chính phủ để Thủ tướng có quyết định chính thức.

 

Chọn ô tô nhỏ chỉ 7.000-8.000 USD?

 

Tại hội thảo, đại diện của Toyota VN đề xuất nên chọn dòng xe 6-9 chỗ (hãng này đang có 2 loại xe bán rất chạy là Zace và Innova). Yếu tố cần thiết khác là đa dụng, phù hợp với hạ tầng, thân thiện với môi trường và giá phù hợp... Tuy nhiên, ông Akito Tachibana, Tổng Giám đốc Toyota VN, không đề cập giá xe cụ thể là bao nhiêu thì được coi là phù hợp với người tiêu dùng VN.

 

Nhiều doanh nghiệp khác lại không thống nhất với quan điểm này. Tổng Giám đốc Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên, cho rằng đa số người tiêu dùng VN chấp nhận đi xe máy chỉ vì không có tiền mua ô tô. Cho nên xe chiến lược quốc gia phải bảo đảm có giá rẻ để nhiều người được sử dụng.

 

Mức giá xe phù hợp là 7.000-8.000 USD/chiếc, bằng giá xe máy đắt tiền. Loại phù hợp là xe 5 chỗ, dung tích động cơ dưới 1.0. Xét về phía lợi ích quốc gia cũng được bảo đảm vì xe kích thước nhỏ không chiếm diện tích đường sá, dung tích thấp dễ nội địa hóa và có thể tận dụng được công nghệ xe máy.

 

Cũng theo ông Huyên, thời gian thực hiện phát triển xe chiến lược quốc gia có thể kéo dài trong 10 năm. Một số doanh nghiệp sản xuất ô tô VN đã có đủ tiềm lực để sản xuất, chỉ chờ thống nhất về chiến lược của Nhà nước là có xe bán ra thị trường.

 

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Mercedes-Benz VN, ông Nguyễn Chí Công, cũng cho rằng xe 6-9 chỗ không tiện lợi, đặc trưng của dòng xe được ưu tiên phải có chỉ số khí thải thấp, có thể sử dụng nhiên liệu sạch, công suất nhỏ, kích thước nhỏ...

 

Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp VN, cho rằng loại xe 6-9 chỗ rất phù hợp với tâm lý tiêu dùng VN. Còn xe rẻ quá chưa chắc đã phù hợp.

 

Lại chuyện con gà - quả trứng

 

Đến thời điểm này, ngành công nghiệp ô tô VN đã có sự góp mặt của nhiều “đại gia” thế giới nhưng 17 năm qua vẫn chưa đạt mục tiêu đem lại giá trị gia tăng cao bằng biện pháp nâng cao nội địa hóa để có xe giá rẻ.

 

Ở Việt Nam, thị trường nhỏ nhưng lại đa dạng nhất về chủng loại, thương hiệu ô tô. Việc lựa chọn một dòng xe chủ lực để doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển với sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước được xem là biện pháp cần thiết để phát triển công nghiệp ô tô VN. Bộ Công Thương cho rằng thời gian không còn nhiều vì đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chỉ còn 47% và theo cam kết WTO sau đó sẽ bằng 0.

 

PGS Nguyễn Đức Phú cho rằng chiến lược phát triển ô tô của VN thời gian qua đã mắc 3 sai lầm cơ bản. Thứ nhất, cho phát triển sản xuất nhưng lại hạn chế tiêu dùng bằng cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào ô tô.

Thứ hai, không có chính sách thuế phù hợp, để giá xe quá cao so với giá gốc ở chính quốc và hay thay đổi chính sách thuế (16 tháng qua thay đổi 6 lần) mà mỗi lần thuế tăng lại gây “bão giá” trên thị trường.

 

Thứ ba, đề ra chỉ tiêu nội địa hóa mơ hồ để làm ra xe bán chứ không phải nội địa hóa bằng công nghệ cao, sản xuất lớn cho ra sản phẩm giá rẻ. Ngay cả việc xác định loại xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch cũng là mơ hồ. Phải định nghĩa được thế nào là xe chiến lược thì mới làm được.

 

Trước nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế không ủng hộ, hay thay đổi là nguyên nhân khiến VN khó phát triển công nghiệp ô tô, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, khẳng định đã có giai đoạn khoảng 10 năm, Nhà nước bảo hộ sản xuất trong nước bằng chính sách thuế và thương mại  nhưng các doanh nghiệp đã không chớp được thời cơ. Thuế không phải chìa khóa vạn năng để có được công nghiệp ô tô, việc này phụ thuộc vào việc xây dựng chiến lược ngành.