Nhiều người dùng xe Swift tại Việt Nam tỏ ra hoang mang khi những chiếc hatchback nhỏ gọn xinh xắn này không đạt điểm nào trong các thử nghiệm an toàn đánh giá xe mới tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbean (Latin NCAP).
Theo Latin NCAP, kết quả đánh giá thấp đáng kinh ngạc đối với Swift đến từ việc các đặc tính bảo vệ va chạm bên hông kém, thiếu túi khí bảo vệ bên trong vai trò trang bị tiêu chuẩn, và xe không có hệ thống cân bằng điện tử (ESC).
Một điểm yếu khác của xe được Latin NCAP nêu ra là hệ thống đai an toàn chỉ là loại thắt ngang hông người ngồi ghế giữa hàng phía sau thay vì đai ba điểm thông thường. Ngoài ra, Suzuki cũng không trang bị hệ thống hỗ trợ gắn ghế trẻ em (CRS) cho những chiếc Swift bán ra tại khu vực.
Cụ thể, trong các thử nghiệm va chạm, Swift chỉ đạt 15,53% (6,21 điểm) bảo vệ người trưởng thành, 0% (0 điểm) trong bảo vệ trẻ em, 66,07% (31,71 điểm) trong bảo vệ người đi bộ và người dễ bị tổn thương và 6,98% (3 điểm) đối với các hệ thống hỗ trợ an toàn trang bị trên xe.
Đánh giá chi tiết cho thấy, điểm tích cực hiếm hoi của xe đến từ việc bảo vệ đầu và cổ của người cầm lái cũng như hành khách. Tuy nhiên, xe lại yếu về khả năng bảo vệ phần ngực và vấp phải nguy cơ cao đối với phần đầu gối những người ngồi hàng ghế trước khi va chạm mạnh, do kết cấu khung phía sau táp lô không thật sự cứng vững.
Về độ an toàn khi xe bị đâm ngang hông, Swift đạt điểm tốt trong bảo vệ đầu và xương chậu, trong khi khả năng bảo vệ vùng bụng cũng được đánh giá ở mức khá. Điểm yếu trên phương diện này nằm ở khả năng bảo vệ phần ngực - bị chấm 0 điểm an toàn.
Người tiêu dùng Việt Nam lúc này vẫn có thể tạm an tâm khi hầu hết xe Swift đang bán chính hãng ở thị trường trong nước được nhập từ nhà máy của Suzuki tại Thái Lan với trang bị tốt hơn chút ít.
Tuy nhiên, sự an tâm không tuyệt đối. “Bài học” từ khu vực Mỹ Latinh và Caribbean cho thấy, nếu Swift ở Việt Nam thiếu đi những trang bị an toàn cần thiết vì lý do nào đó, khả năng bảo vệ hành khách bên trong khoang lái cũng sẽ suy giảm theo cách tương tự.