Sáng 15-10, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã công bố kết quả kinh doanh quý III-2021, qua đó cho thấy tình trạng suy giảm nghiêm trọng về doanh số.
Số liệu cho thấy, cả 5 thành viên VAMM (bao gồm Công ty Honda Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty Suzuki Việt Nam, Công ty SYM Việt Nam và Công ty Yamaha Motor Việt Nam) đều chứng kiến việc kinh doanh đình trệ. Tổng số xe bán ra trong giai đoạn từ tháng 7-2021 đến hết tháng 9-2021 là 367.037 xe, giảm tới 45,84% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số liệu chưa bao gồm xe xuất khẩu.
Trong khi đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tài khóa 2021-2022 của Honda Việt Nam (từ tháng 4-2021 tới tháng 9-2021), thương hiệu Nhật Bản này vẫn chi phối hoàn toàn thị trường xe máy trong nước.
Cụ thể, trong 6 tháng vừa qua, doanh số cộng dồn của xe máy Honda đạt hơn 835.500 xe, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường do dịch Covid-19 hoành hành, hãng vẫn giữ được thị phần 80,8%, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, những thương hiệu lớn còn lại trong Hiệp hội gồm Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM chỉ chia nhau chưa tới 20% thị trường trong 6 tháng kinh doanh vừa qua.
Trong các số liệu, Wave Alpha vẫn là mẫu xe số bán chạy nhất thị trường trong nước, hiện chiếm khoảng 21,7% tổng doanh số bán xe máy của Honda trong tháng 9 và chiếm 21,6% (tương đương 180.711 xe) tổng doanh số bán xe máy trong 6 tháng qua.
Ở nhóm xe ga, bán chạy nhất trên thị trường trong tháng vừa qua là Vision với 20,5% doanh số xe máy Honda tháng 9. Trong 6 tháng qua, mẫu xe này đạt 210.701 chiếc tới tay người tiêu dùng, chiếm 25,2% tổng doanh số xe máy của Honda tại Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy thị trường xe máy đã trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, tương tự như những gì xảy ra với lĩnh vực kinh doanh ô tô. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, quý cuối năm 2021 và quý đầu năm 2022 sẽ là giai đoạn hết sức quan trọng với các nhà sản xuất. Khoảng thời gian này không chỉ giúp họ trở lại phong độ vốn có nhằm đạt được các mục tiêu hoạt động đề ra trong năm nay, mà còn đặt những viên gạch đầu tiên cho năm kinh doanh tiếp theo.
Phiên bản GTS kỷ niệm Vespa tròn 75 tuổi.
Ý thức được điều này, hầu hết các nhà sản xuất đều có những bước đi mở đường đầu tiên ngay khi các lệnh giãn cách được nới lỏng trong vài tuần trở lại đây. Một trong những phương án phổ biến nhất là tung ra hàng loạt các mẫu xe mới, phần lớn là biến thể “đặc biệt” của các dòng sẵn có trên thị trường.
Trong ngày 15-10, Honda đã công bố Super Cub 125 mới, nhưng chủ yếu khác biệt về thiết kế ngoại hình như tem mới, yên sau mới, hệ thống đèn toàn bộ LED... Tương tự, Piaggio Việt Nam cũng tung ra bộ đôi Primavera và GTS kỷ niệm 75 năm tồn tại của dòng xe Vespa, song song hàng loạt biến thể màu mới của Sprint, GTS và Primavera.
Cùng với những nỗ lực tự thân, nhiều yếu tố khách quan như mùa mua sắm cuối năm đang tới gần, nhiều chính sách ưu đãi đang được duy trì, nhu cầu mua sắm “bung” ra sau thời gian giãn cách kéo dài, tích lũy tiêu dùng tăng cao ở một số phân khúc... được cho là sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho việc kinh doanh xe máy những tháng tới. Đây là nền tảng quan trọng để các nhà sản xuất có thể thoát đáy doanh số, hướng tới một giai đoạn hoạt động sáng sủa hơn.