Mười điểm nhấn trên thị trường ô tô Việt Nam năm 2021

08:53, 29/12/2021

Năm 2021 khép lại với nhiều biến động chưa từng có đối với ngành công nghiệp và thị trường ô tô trong nước, nổi bật là đại dịch Covid-19, trào lưu xe xanh, xu hướng “chơi” xe Trung Quốc…

1. Số lượng xe mới ra mắt nhiều kỷ lục

Năm 2021 khép lại với hơn 30 dòng xe mới ra mắt, chưa kể các biến thể, là số lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Trong đó, THACO (Trường Hải) dẫn đầu với dải sản phẩm mới ở cả bốn thương hiệu, gồm KIA (K3, K5, Carnival, Seltos, Sonet…), Peugoet (3008, 5008), BMW (Series 5, Series 4 Convertible…), Mazda (CX-3, CX-30). Không kém cạnh, TC Motor (Hyundai) cũng cùng lúc trình làng Tucson, Santa Fe, Grand i10…

Trong khi đó, Toyota ngoài điểm nhấn Raize còn có Camry và Land Cruiser 2022, song song thế hệ IS hoàn toàn mới từ thương hiệu hạng sang Lexus. Sự sôi động trong mọi phân khúc cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường ô tô Việt Nam hiện nay, hứa hẹn “bùng nổ” sức mua trong năm 2022.

Với hơn 30 mẫu ô tô mới trình làng trong năm 2021, giai đoạn mua sắm cận Tết được kỳ vọng sẽ đặc biệt sôi động.

2. Hàng loạt mẫu xe “chia tay” thị trường Việt

Không chỉ đón nhận xe mới, mà năm 2021 cũng chứng kiến nhiều hãng xe trong nước phải thông báo ngừng bán một số mẫu xe với nhiều lý do như: Doanh số thấp, bị khách hàng trong nước “quay lưng”, thiếu nguồn cung do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Những điển hình có thể điểm qua là Ford Việt Nam dừng cuộc chơi đối với MPV cỡ lớn Tourneo kể từ tháng 6-2021 vì không đạt mục tiêu doanh số, hay Suzuki ngừng bán mẫu sedan cỡ B Ciaz do không đạt chuẩn khí thải và doanh số thấp. Bên cạnh việc ngừng bán các mẫu xe, một số thương hiệu thậm chí rút hẳn khỏi thị trường trong nước, trong đó có Infiniti (thuộc Nissan), UAZ, Chevrolet…

3. Manh nha trào lưu ô tô điện hóa

Hòa mình vào làn sóng xe mới đổ bộ Việt Nam trong năm 2021 là những mẫu xe điện hóa. Sau thành công bước đầu của Toyota Corolla Cross Hybrid, nhiều hãng xe đã mạnh dạn giới thiệu sản phẩm xanh tới người tiêu dùng trong nước, trong đó có Camry Hybrid, Mercedes-Benz EQS, KIA Sorento Hybrid, Volvo XC60 Recharged.

Tuy nhiên, nổi bật hơn cả chính là VinFast e34. Mẫu xe này nhận được chú ý không chỉ bởi đây là sản phẩm thuần điện chạy pin đầu tiên tới tay người tiêu dùng Việt Nam, mà còn là một sản phẩm đến từ thương hiệu nội địa. Trong bối cảnh các tiêu chuẩn khí thải được siết chặt và thị hiếu chuyển dịch nhanh chóng, kết hợp với những chính sách hỗ trợ sắp áp dụng, “xe xanh” sẽ là cụm từ nóng của lĩnh vực ô tô trong năm 2022.

4. Chiếc ô tô điện “Made in Vietnam” đầu tiên

Sau 6 tháng kể từ thời điểm nhận đặt hàng, những chiếc ô tô điện “Made in Vietnam” VF e34 đầu tiên đã tới tay người tiêu dùng trong nước, đánh dấu mốc Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có khả năng lắp ráp, hoàn thiện xe năng lượng sạch. Sau đợt giao xe nhỏ giọt năm 2021 do thiếu linh kiện lắp ráp và chưa kịp hoàn thiện các yêu cầu, quy chuẩn về kỹ thuật và an toàn, VinFast dự kiến sẽ tăng sản lượng ngay trong năm mới, với kế hoạch bàn giao khoảng 2.000 xe trong tháng 1-2022. Song song với lộ trình sản phẩm, VinFast cũng đang đẩy mạnh nỗ lực lắp đặt trạm sạc cho ô tô điện ở nhiều khu vực trên cả nước để phục vụ người dùng loại phương tiện mới này.

5.  Doanh số ô tô “chạm đáy” do đại dịch

Mặc dù năm 2020 được xem là “thảm họa” với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khi Covid-19 bất ngờ ập tới, nhưng những tác động thực sự phải sang năm 2021 mới xuất hiện. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 8-2021 chứng kiến chỉ 8.884 xe bán ra, là mức thấp nhất kể từ năm 2015. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp thị trường ô tô trong nước suy giảm doanh số. Trước đó, đà giảm đã bắt đầu từ tháng 4 với mức hạ 3,7% so với tháng 3. Mức giảm của tháng 5 là 15% so với tháng 4. Mức giảm của tháng 6 là 8% so với tháng 5, và mức giảm của tháng 7 là 32% so với tháng 6. Tình hình chỉ cải thiện vào tháng 9, khi các lệnh giãn cách chống dịch ở một số thành phố lớn được nới lỏng.

Nhiều showroom ô tô “cửa đóng then cài” trong suốt giai đoạn quý II và quý III năm nay do dịch bệnh.

6. Triển lãm ô tô Việt Nam bị hủy năm thứ 2 liên tiếp

Theo kế hoạch ban đầu, Triển lãm Ô tô Việt Nam 2021 (Vietnam Motor Show 2021) sẽ diễn ra vào cuối tháng 10-2021 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư bùng phát đã làm gián đoạn và ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm ngành sản xuất - kinh doanh ô tô, xe máy. Điều này buộc Ban tổ chức lần thứ hai liên tiếp phải hủy bỏ hoàn toàn sự kiện quan trọng nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

7. Thương hiệu ô tô Trung Quốc gây dựng thanh thế

Nếu như trong nhiều thập kỷ qua, ô tô Trung Quốc mang tiếng là sản phẩm giá rẻ với chất lượng trung bình, thì năm 2021 chính là bước ngoặt lớn, với sự xuất hiện của nhiều cái tên lạ nhưng có chất lượng tốt từ Zotye, Beijing, Brilliance, BAIC… Cùng với đó, nhiều dòng xe thuộc sở hữu của các tập đoàn Trung Quốc như Volvo, MG cũng góp phần cải thiện hình ảnh “xe Tàu” trong tâm lý người tiêu dùng tại Việt Nam. Thực tế này giúp số lượng xe Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2021 tăng gấp nhiều lần, thậm chí ở một số thời điểm vượt qua cả Indonesia.

8. Ưu đãi phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước

Cuối tháng 11, đề xuất của Bộ Tài chính giảm mức thu phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2021 đã chính thức được phê duyệt.

Theo lý giải, để phục vụ lắp ráp ô tô, các hãng xe trong nước phải nhập khẩu hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, khiến chi phí sản xuất thiếu cạnh tranh. Ðây chính là lý do khiến các hãng xe ít mặn mà với việc lắp ráp, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. Chính vì vậy, việc giảm 50% lệ phí trước bạ được kỳ vọng là động lực cho ngành sản xuất ô tô trong nước tăng trưởng. Việc quyết định giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước được áp dụng ngay sau đợt dịch Covid-19 thứ tư cũng đem tới tác động kép, nhanh chóng thổi bùng sức mua trên thị trường ô tô, tạo đà phục hồi trong quý cuối năm 2021.

Ford Ranger là mẫu xe hiếm hoi chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp trong nước (tại nhà máy Ford Hải Dương) trong năm 2021.

9. Thêm “cửa” cho ô tô nhập khẩu về Việt Nam

Tại Thông tư 21/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi, thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BCT ngày 25-3-2019 của Bộ Công Thương quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi, ngoài 5 cảng biển trước đây là Cái Lân (Quảng Ninh), Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, ô tô dưới 16 chỗ sẽ được phép nhập về Việt Nam qua cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) kể từ ngày 24-1-2022.

10. Sẵn sàng cho chuẩn khí thải Euro 5 trên ô tô mới

Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (tương đương chuẩn Euro 5) từ ngày 1-1-2022. Tới đầu tháng 12-2021, các thành viên VAMA khẳng định đã sẵn sàng cho việc tuân thủ lộ trình này, đồng thời cho biết đã phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) để mở rộng mạng lưới cung cấp và triển khai các hoạt động truyền thông hỗ trợ người tiêu dùng trong việc tiếp cận nhiên liệu Euro 5. Theo VINPA, dầu Diesel mức 5 (DO-V) đã bán ở hơn 1.100 cửa hàng xăng dầu tại tất cả tỉnh, thành trên toàn quốc, trong khi xăng đạt Euro 5 sẽ được bán trên thị trường kể từ ngày 1-1-2022 theo đúng lộ trình.