Nhiều hãng ô tô lớn chứng kiến doanh thu suy giảm trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động, dẫn tới những biện pháp ứng phó chưa từng có.
Volkswagen đang đóng cửa hàng loạt nhà máy để ứng phó khó khăn. Ảnh: Fortune |
Ngày 1-11, truyền thông Đức cho biết, Volkswagen đã đề nghị giảm 10% lương của người lao động, viện lý do đây là cách duy nhất để nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu duy trì sản xuất và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Trong ngày cuối tháng 10, Volkswagen đã báo cáo lợi nhuận quý III giảm 42% xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Biên lợi nhuận hoạt động của hãng cũng chỉ đạt 2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, vẫn còn xa mới đạt mục tiêu 6,5% vào năm 2026.
Nhằm xoay chuyển tình thế trong bối cảnh chi phí sản xuất cao và nhu cầu yếu ở Trung Quốc khiến doanh số giảm, các nhà máy của hãng bị dư thừa năng lực sản xuất, Volkswagen cũng đã quyết định đóng cửa nhà máy xe điện tại Bỉ, đồng thời, tiếp tục tiến tới đóng cửa 3 nhà máy tại Đức - lần đầu tiên trong lịch sử.
Thị trường ô tô châu Âu đã giảm khoảng 2 triệu xe kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, khiến doanh số của Volkswagen giảm khoảng 500.000 xe mỗi năm. Tại Trung Quốc, Volkswagen cũng mất thị phần vào tay các nhà sản xuất ô tô nội địa và tình hình càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng chậm chạp.
Khó khăn của Volkswagen đã làm gia tăng lo ngại về vị thế cường quốc công nghiệp của Đức và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô châu Âu trước những đối thủ đang vươn lên mạnh mẽ.
Ngoài ra, việc Liên minh châu Âu áp dụng mức thuế lên tới 45,3% với xe điện Trung Quốc cũng khiến các nhà sản xuất ô tô tại Đức lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc tranh chấp thương mại gay gắt.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Toyota vừa thông báo doanh số toàn cầu giảm 2,8% xuống còn 5,03 triệu xe trong nửa đầu năm tài chính 2024 (từ tháng 4 đến tháng 9), là lần đầu tiên trong 2 năm, khi doanh số tại Nhật Bản giảm 9,3% xuống còn 716.588 xe và doanh số ở nước ngoài giảm 1,6% xuống còn 4,31 triệu xe.
Bán tải giá rẻ Toyota Hilux Champ vừa "cập bến" Đông Nam Á cách đây không lâu. Ảnh: HL |
Toyota đã bán được 78.178 chiếc xe thuần điện (EV) trong khoảng thời gian trên, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đầu năm nay, Toyota đã cắt giảm 30% mục tiêu sản xuất EV toàn cầu cho năm 2026 xuống còn khoảng 1 triệu EV khi nhu cầu chậm lại, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết vào tháng trước. Doanh số xe hybrid (HEV) tăng 21,1% lên 2,03 triệu chiếc.
Để ứng phó, Toyota đã cắt giảm sản lượng xe toàn cầu trong nửa đầu năm tài chính 2024, thấp hơn 7,0% so với một năm trước đó. Đây là lần giảm sản lượng đầu tiên trong 4 năm.
Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 9, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản đã xuất xưởng 4,71 triệu xe cho các thương hiệu Toyota và Lexus, giảm so với mức kỷ lục 5,06 triệu xe trong cùng kỳ năm ngoái khi nguồn cung chất bán dẫn tăng lên giúp thúc đẩy sản xuất toàn cầu.
Sản lượng nội địa của Toyota giảm 9,4% xuống còn 1,53 triệu xe do ngừng sản xuất Yaris Cross và hai mẫu xe khác trong 3 tháng, sau khi vấp rắc rối về việc không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn thử nghiệm xe của Chính phủ Nhật Bản. Bên ngoài Nhật Bản, sản lượng Toyota giảm 5,8% xuống còn 3,17 triệu xe, dẫn đầu bởi mức giảm 17,1% ở Trung Quốc.
Theo hãng thông tấn Kyodo, tổng doanh số trên toàn thế giới của 8 công ty ô tô hàng đầu Nhật Bản giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 giảm 2,5%, xuống còn 11,99 triệu xe. Sản lượng toàn cầu trong cùng kỳ tương ứng giảm 6%, xuống còn 11,88 triệu xe. Lần giảm lần đầu tiên trong 4 năm phản ánh thực trạng kinh doanh đầy khó khăn. Trong đó, sản lượng ô tô của Honda giảm 8,1% xuống còn 1,82 triệu xe. Nissan ghi nhận mức giảm 7,8%, xuống còn 1,53 triệu xe.
Sakura - một trong những mẫu xe điện mới của Nissan. Ảnh: HL |
Tình hình tại Mỹ cũng khá ảm đạm. Ford vừa cho biết, lợi nhuận năm 2024 của hãng sẽ thấp hơn đáng kể, dựa trên mức doanh thu chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD (trước thuế), giảm so với mức kỳ vọng 12 tỷ USD đề ra trước đó. Theo Giám đốc điều hành Jim Farley, đây là hậu quả của “một cuộc chiến giá cả toàn cầu, tình trạng dư thừa công suất, áp lực chính sách và các nhà sản xuất xe điện mới xuất hiện”. Giám đốc tài chính John Lawler của Ford chỉ ra thêm một số khó khăn mà hãng xe Mỹ đang đối mặt, như chi phí bảo hành xe tăng, chuỗi cung ứng gặp nhiều vấn đề…
Tương tự đồng hương, GM cũng dự báo, lợi nhuận năm nay sẽ không vượt trội so với năm ngoái.
Về phần mình, Stellantis - tập đoàn sở hữu Jeep, Dodge, Fiat, Peugeot… cho biết, doanh thu quý III giảm tới 27%, chỉ đạt 35,8 tỷ USD. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do lượng hàng bán ra giảm kèm theo những tác động từ giá cả và ngoại hối. Để cải thiện tình hình, tập đoàn ô tô Mỹ - Italia dự kiến giới thiệu thêm 20 mẫu xe mới, kết hợp cắt giảm lượng hàng tồn kho gây tốn kém, đặc biệt là ở Mỹ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin