Lưu ý khi hỏng phanh đĩa trên xe máy

15:25, 05/01/2014

Phanh là hệ thống an toàn duy nhất nên mất khả năng phanh đồng nghĩa với việc xe mất hẳn độ an toàn.

Hiện nay, hầu hết các dòng xe máy từ phổ thông tới xe đắt tiền đều đã sử dụng phanh đĩa ở bánh trước để tăng tính an toàn khi lái xe. Tuy nhiên, để phanh đĩa hoạt động tốt và hiệu quả, thì ngoài việc kiểm tra định kỳ người sử dụng cũng cần biết các hiện tượng hư hỏng để kịp thời xử lý.

 

Phanh bị kêu

 

Phanh bị kêu xoẹt xoẹt. Nếu tiếng kêu nhỏ, thường xuất hiện khi xe đang hoặc đi qua đoạn đường nhiều bùn đất, cát thì nguyên nhân là đất cát bám vào bề mặt má phanh và luôn cà vào đĩa phanh. Nếu tình trạng này diễn ra lâu và nhiều, đĩa phanh sẽ bị mòn không đều dẫn đến phải láng lại.

 

Hết dầu phanh hoặc má phanh quá mòn sẽ khiến tay phanh "vô dụng".

 

Nếu tiếng kêu to và đều thì nguyên nhân rất có thể là do má phanh đã mòn hết phần ma sát, khiến phần thép của má phanh cà vào đĩa phanh. Ngoài việc phát hiện qua tiếng kêu, người sử dụng có thể quan sát bằng mắt thường để xác định mức độ mòn của má phanh trước khi quá muộn.

 

Trong trường hợp phanh không phát ra tiếng kêu ở điều kiện bình thường (không bóp phanh) nhưng mỗi khi bóp thì lại có những tiếng kêu kẹt kẹt, thì đây là dấu hiệu cho thấy bạc trượt đỡ càng phanh đã bị mòn, khe hở lớn gây ra va đập khi bóp phanh.

 

Phanh bị bó

 

Nguyên nhân đầu tiên có thể là do đĩa phanh bị cong vênh. Bạn có thể dùng mắt thường để kiểm tra bằng cách dựng chân chống giữa sau đó nhấn đuôi xe xuống để bánh trước không chạm đất rồi dùng tay quay bánh xe và quan sát. Nên thay đĩa phanh khi bị cong vênh để bảo vệ má phanh, ly hợp và tiết kiệm nhiên liệu.

 

Các phớt chắn bụi và dầu ở cả pít-tông trên và dưới bị nở do thời gian sử dụng quá lâu hoặc nước lọt vào dầu phanh gây kẹt pít-tông hoặc cũng có thể là lò xo hồi vị yếu không đẩy tay phanh về vị trí ban đầu khiến dầu không hồi về được (trường hợp này ít xảy ra). Ngoài ra, pít-tông phanh bị rỗ cũng khiến phanh dễ bị kẹt dẫn đến bó phanh.

 

Cũng có trường hợp, do chất lượng má phanh kém, khi lái xe (thường là đổ đèo) rà phanh liên tục khiến má phanh và đĩa phanh bị quá nhiệt và dính chặt với nhau làm phanh bị bó cứng.

 

Giảm hoặc mất chức năng phanh

 

Má phanh mòn tới xương đĩa sẽ gây ra kêu và xước đĩa phanh.

 

Nếu dầu bị hao hụt, phanh có thể mất lực (hành trình tay phanh dài hơn nhưng phanh ít có tác dụng). Cần kiểm tra thường xuyên và định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để duy trì mức dầu phanh luôn trong mức tiêu chuẩn. Má phanh đĩa quá mòn cũng có thể làm cho mức dầu tụt xuống, nhưng trường hợp này phải thay má phanh chứ không được phép bổ sung dầu phanh.

 

Không khí có thể lẫn trong dầu phanh (bị air) do dầu phanh đã quá cũ mà không được thay hoặc trong quá trình bổ sung dầu phanh. Khi bị air, lực từ tay phanh không được truyền hoàn toàn tới pít-tông phanh nên hiệu quả phanh sẽ bị giảm hoặc thậm chí là mất lực phanh.

 

Dầu phanh là dung dịch “háo nước”, nó sẽ hấp thụ nước trong không khí trong thời gian sử dụng thông qua ống cao su và một số gioăng đệm bằng cao su. Khi dầu phanh có lẫn nước, các chi tiết như pít-tông nhanh chóng bị gỉ sét làm giảm hiệu quả phanh hoặc bó phanh. Ngoài ra, khi lẫn nước, nhiệt độ sôi của dầu phanh giảm, nước dễ bốc hơi và tạo ra nghẽn hơi.

 

Lưu ý khi sử dụng

 

Cần kiểm tra mức dầu phanh thường xuyên và định kỳ theo chỉ dẫn trong sách hướng dẫn đi kèm theo xe.

 

Dầu phanh cần được thay 2 năm/lần để đảm bảo lái xe an toàn. Mác dầu phanh thường được dùng là Dot 3 hoặc Dot 4.

 

Khi thay má phanh cần đến những trung tâm uy tín để đảm bảo chất lượng và chế độ bảo hành. Má phanh kém chất lượng có giá thành thấp nhưng nhanh mòn, chịu nhiệt kém, dễ bong phíp và gây xước đĩa phanh.