Sở hữu một chiếc xe máy điện hoán cải chẳng khác nào rước một cục nợ về nhà. Không thể đăng ký biển kiểm soát, đồng nghĩa với việc chủ nhân chỉ có thể sử dụng xe chạy loanh quanh trong… sân nhà.
Sau thời điểm quy định bắt buộc đăng ký biển kiểm soát (BKS) xe máy điện theo Thông tư 15/2014/TT-BCA (Bộ Công an) có hiệu lực, tình trạng xe máy điện không đeo BKS lưu thông trên đường diễn ra khá phổ biến. Các trường hợp vi phạm hiện mới chỉ bị nhắc nhở thay vì xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT.HN, hình thức nhắc nhở sẽ chỉ áp dụng trong khoảng thời gian 1-2 tuần đầu sau ngày 1/6, trước khi mạnh tay xử phạt người vi phạm đi xe máy điện không đăng ký BKS.
Trong khi đó, như Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam đã khẳng định ở kỳ trước, hiện đang có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng xe máy điện trên thị trường với số xe đã qua đăng kiểm và được cấp giấy chứng nhận. Điều đó cho thấy, vẫn còn tồn tại một số lượng lớn xe máy điện trên thị trường chưa đủ điều kiện để làm thủ tục đăng ký biển số.
Những chiếc xe đó vẫn sẽ được “phù phép” để lọt ra thị trường, mà cách thức phổ biến là “đội lốt” xe đạp điện. Và cuối cùng, người chịu thiệt thòi không ai khác chính là những chủ sở hữu xe.
Thực tế cho thấy, mức độ rủi ro khi lựa chọn mua xe đạp điện lớn hơn rất nhiều so với xe máy điện. Bởi theo quy định đăng kiểm, xe máy điện và môtô điện sau khi vượt qua kiểm định chất lượng sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm theo từng xe (xác định bằng số khung và ký hiệu động cơ).
Do vậy, chỉ cần bên bán đáp ứng được đầy đủ các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc và chất lượng, thì chiếc xe lựa chọn đủ điều kiện để đăng ký biển kiểm soát. Các vấn đề khác có thể phát sinh như giấy tờ giả hoặc chất lượng xe kém…
Trong khi đó, lựa chọn xe đạp điện đòi hỏi cần có sự cẩn trọng cao hơn. Tem kiểm định chất lượng dán trên từng xe và các giấy tờ liên quan chỉ là điều cần, việc kiểm tra cấu hình xe mới thực sự quan trọng.
Sẽ không khó quá để phân biệt một mẫu xe đạp “thuần chủng” với một chiếc xe “liên hợp quốc” với khung của xe máy điện còn pin và động cơ (may-ơ) lại của xe đạp điện hoặc ngược lại…
Thông thường, khung xe máy điện có trọng lượng nặng hơn khung xe đạp điện, nên việc sử dụng động cơ có công suất không phù hợp với trọng lượng sẽ đem đến nhiều hệ lụy về an toàn. Nếu công suất động cơ thấp hơn thiết kế, khiến xe luôn hoạt động trong tình trạng quá tải, chạy chậm, dẫn đến mau hỏng pin và động cơ. Ngược lại, bộ phận phanh sẽ không đủ khả năng hãm một chiếc xe vận hành vượt quá thiết kế tốc độ,… làm gia tăng nguy hiểm và phạm luật.
Do vậy, kiểm tra trọng lượng tổng thành xe để chắc chắn không vượt quá 40kg, công suất động cơ không vượt quá 250 W, những yếu tố có thể biến chiếc xe trở thành xe máy điện và khiến người sử dụng gặp rắc với các cơ quan thực thi pháp luật.