Kéo phanh tay ô tô: Sơ suất nhỏ, hậu quả lớn

14:14, 23/04/2015

Phanh tay (còn gọi là phanh phụ - Parking Break) được thiết kế giúp giữ xe đứng cố định khi đỗ xe (đặc biệt là những nơi mà độ ma sát giữa bánh xe với mặt đường thấp như dốc chẳng hạn). Mặc dù ít được sử dụng hơn các hệ thống phanh khác nhưng phanh tay cũng khá quan trọng.

Việc lái xe quên kéo hoặc hạ phanh tay thực sự là vấn đề phổ biến, đặc biệt là đối với các lái mới.

 

Sẽ có hai trường hợp xảy ra với trường hợp quên hạ phanh tay: hoặc quên hẳn, hoặc có hạ nhưng chưa hạ hẳn khiến phanh tay vẫn ăn nhẹ. Tuy nhiên, ghi nhận từ nhiều ý kiến lái xe về vấn đề này cho thấy dù là trường hợp nào thì rất nhiều người chưa hiểu rõ hoặc chưa lường hết những thiệt hại do sơ suất này gây ra.

 

 

Trên phần lớn các loại xe ôtô hiện nay, hệ thống má phanh dừng (phanh tay) sử dụng loại phanh đĩa hoặc tăng-bua, được thiết kế độc lập hoặc kết hợp với hệ thống phanh chính, nhưng tất cả vẫn nằm trong cụm phanh sau. Khi má phanh dừng vẫn còn sát vào tăng-bua hoặc đĩa phanh (quên hạ phanh tay hoặc hạ chưa hết), ma sát lớn giữa má phanh và tăng-bua hoặc đĩa phanh sẽ sinh nhiệt rất lớn khi xe chạy, làm cho má phanh có thể bị cháy.

 

Bên cạnh đó, phớt và mỡ bôi trơn bi moay-ơ bị đốt nóng sẽ bị chảy và gây hỏng rất nhanh. Cảm biến ABS (chống bó cứng bánh xe) gắn trên cụm phanh cũng có thể bị hỏng, đồng thời dầu phanh bị sôi cũng có thể khiến phanh giảm tác dụng.

 

Ngược lại, lúc dừng hoặc đỗ xe, các lái mới thậm chí là nhiều tài già vì sơ xuất mà quên kéo phanh tay. Khi cần số chưa về vị trí N hoặc dừng ở địa hình dốc, xe rất dễ bị trôi. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm.

 

Đã từng có trường hợp lái xe lâu năm nhưng do vội công việc và sơ xuất đã quên kéo phanh tay. Khi xe trôi, vội nhảy vào ca-bin để đạp phanh nhưng lại đạp nhầm vào chân ga gây ra tai nạn liên hoàn.

 

Một sơ xuất nhỏ đôi khi lại gây hậu quả lớn. Do đó, bạn nên tạo thói quen mỗi khi đỗ xe là phải kéo phanh tay. Khi xe di chuyển, kiểm tra táp-lô để biết mình hạ phanh tay hay chưa.

 

 

Khi đỗ xe ở trên mặt đường dốc, tài xế sẽ sử dụng phanh tay để xe không bị trôi xuống. Mặc dù ít được sử dụng và chịu tải kém hơn so với phanh chân, nhưng khi đã làm việc thì hệ thống phanh tay thường phải làm việc vài giờ đồng hồ, vài ngày hay thậm chí cả tháng.

 

Hệ thống phanh tay được thiết kế độc lập so với hệ thống phanh chân – phanh chính, cũng có thể sử dụng phụ trợ cho phanh chân khi phanh chân gặp sự cố. Tuy nhiên phanh tay được thiết kế chỉ để hãm lại các bánh xe khi ở trạng thái nghỉ nên độ giảm tốc của nó rất kém. Nếu lái xe dùng phanh tay để dừng xe đột ngột là cực kỳ nguy hiểm.

 

Hiện nay, các nhà sản xuất đã sử dụng phanh đĩa thay vì phanh tay trống trên các xe đời mới nữa để tăng độ bền và độ an toàn. Hiện nay trên một số dòng xe đời mới của Toyota, Kia, BMW và Mercedes, nhà sản xuất chuyển phanh tay xuống bộ phận cần phanh chân (ở dưới chân trái). Chính vì thế mà khi sử dụng, tài xế chỉ cần đạp chân trái xuống một lần, đạp một lần nữa để nhả ra. Loại phanh này hiện được sử dụng cả trên xe số tự động (Auto Transmission) và cả xe số sàn (Manual Transmission). Tuy vậy, nhiều tài xế không thích xe có thiết kế phanh này vì đã có thói quen dùng cần phanh tay.

 

Một số lưu ý khác khi sử dụng phanh tay xe hơi:

 

- Nhớ nhả phanh tay trước khi di chuyển xe

 

- Thường xuyên kiểm tra và tiến hành bảo dưỡng hệ thống phanh tay để tránh kẹt phanh do khô dầu hay rỉ sét

 

- Khi phát hiện xe không ăn phanh, hãy kiểm tra lại phanh, nếu không thì phải thay má phanh (đối với xe dùng phanh tang trống).

 

- Khi đỗ xe qua đêm thì nên dùng cần phanh tay, dù cho tài xế có đỗ xe nhiều ngày thì cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến hệ thống phanh tay hay phanh chính