Xe công sẽ được quản lý chặt chẽ hơn

08:15, 12/06/2007

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Quản lý Công sản (Sở Tài chính Thái Nguyên): Tổng số xe công thuộc các đơn vị do tỉnh quản lý có 270 chiếc, trong đó có 31 xe được mua mới, trang bị cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh kể từ năm 2004 đến nay, chủ yếu là xe có từ 16 chỗ ngồi trở xuống.

Cụ thể là năm 2004 mua mới 19 xe; năm 2005 mua mới 6 xe; 6 tháng đầu năm 2006 mua mới 6 xe, với tổng giá tiền được thanh toán gần 20 tỷ đồng, trong đó có 8 xe được mua với giá trên 700 triệu đồng, cao nhất có 2 xe CAMRY 2.4 trang bị cho Văn phòng UBND tỉnh với giá mua 815.796.000/chiếc.

Để minh bạch trong sử dụng xe công, đồng thời cũng là hưởng ứng tinh thần chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14-5-2007, UBND tỉnh đã sao lục Quyết định số 59/2007-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty Nhà nước và triển khai tới các cơ quan, đơn vị cùng thực hiện.

Cụ thể theo Quy định này, những cán bộ đang giữ các chức danh: Phó chủ tịch HĐND; Phó chủ tịch UBND; Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách; Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ, Tỉnh uỷ, trực thuộc Trung ương; cán bộ trưởng, phó các sở, ban, ngành và tương đương; bí thư, phó bí thư cấp huyện, thị và thành phố; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 chỉ được bố trí xe ô tô đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 15 km trở lên.

Với địa bàn như tỉnh Thái Nguyên, cán bộ đang giữ các chức danh nêu trên sẽ không có tiêu chuẩn xe công đưa, đón từ chỗ ở đến nơi làm việc và cũng không có tiêu chuẩn xe công đưa, đón đi họp, đi công tác trong phạm vi cách cơ quan dưới 15km. Quyết định 59/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Tỉnh uỷ Thái Nguyên, HĐND, UBND và các cơ quan trực thuộc tỉnh Thái Nguyên triển khai, chấp hành, và được coi là “cẩm nang” trong việc điều động xe công của mỗi cơ quan, đơn vị.

Như vậy, việc quản lý xe công kể từ tháng 5 năm nay sẽ được các cấp, ngành, đơn vị thực hiện chặt chẽ hơn. Hiện tượng một số cán bộ, đảng viên lạm dụng xe công vào việc riêng hoặc sử dụng xe công cho những công việc không cần thiết sẽ giảm. Theo đó, số lượng xe công tham gia giao thông cũng giảm hơn, ngân sách chi cho tiêu hao xăng, dầu cũng như việc sửa chữa xe công chắc chắn giảm một khoản đáng kể mỗi năm.

Điều đáng quan tâm nữa là từ việc triển khai thực hiện Quyết định 59/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cán bộ, đảng viên đầu ngành đã nghiêm túc thực hiện, không lạm dụng xe công đưa, đón đi làm việc. Đó là việc làm góp phần, tiết kiệm, chống lãng phí của những cán bộ Đảng, Nhà nước, rất đáng được hoan nghênh và nhân rộng. Qua đó, đã góp phần củng cố vững chắc hơn lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức đang thi hành nhiệm vụ.