Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách

16:36, 01/07/2007

Luật Trợ giúp pháp lý 2006 ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này theo hướng đầu tư, mở rộng hoạt động trợ giúp pháp lý.

Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách của nước ta đã trải qua gần mười năm, không ai có thể phủ nhận ý nghĩa to lớn và những thành công đã đạt được. Hiện nay, Nhà nước ta rất quan tâm lĩnh vực trợ giúp pháp lý.

Để thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, các tỉnh đang tăng cường đội ngũ cán bộ hoạt động trợ giúp pháp lý, mở các chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại các huyện, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động trợ giúp pháp lý ở các tỉnh bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét để nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự vắng khách ở hầu hết các trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, số vụ việc được yêu cầu trợ giúp pháp lý chưa nhiều, công tác trợ giúp pháp lý chủ yếu vẫn dựa trên việc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên, hiện nay hoạt động này thiên về hướng tuyên truyền pháp luật hơn là trợ giúp pháp lý.

Đối tượng được trợ giúp pháp lý chỉ hạn chế ở một số đối tượng theo Điều 2 của Nghị định của Chính phủ số 07/NĐ-CP ngày 12-1-2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, là người nghèo và đối tượng chính sách, đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số thì phải là người sinh sống thường xuyên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vì vậy, số lượng đối tượng, vụ việc trợ giúp pháp lý không nhiều.

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, một vấn đề đặt ra là hoạt động trợ giúp pháp lý đã thật sự thu hút được sự quan tâm của người dân chưa. Ngay cả trên địa bàn nơi có trụ sở của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước nhưng có rất ít người dân biết đến sự tồn tại của trung tâm và chức năng của trung tâm, đối với người dân ở các địa bàn xa thành phố thì càng khó khăn hơn trong việc tìm hiểu thông tin và đến để yêu cầu trợ giúp pháp lý. Nhân dân vẫn còn thiếu thông tin, cũng như chưa thấy được ý nghĩa thiết thực của hoạt động trợ giúp pháp lý, hay nói cách khác, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước chưa thật sự thu hút được người dân.

Công tác trợ giúp pháp lý lưu động của chúng ta được thực hiện theo kế hoạch đề ra hằng năm, hầu hết các trung tâm trợ giúp pháp lý trong cả nước chọn địa bàn thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động là các xã vùng sâu, vùng xa, đây là những vùng dân cư thưa thớt nên các đối tượng, vụ việc cần trợ giúp pháp lý tại địa bàn này là rất ít. Việc trợ giúp pháp lý lưu động chủ yếu mang tính chất tuyên truyền pháp luật. Theo Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý thì: trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của luật này, giúp người được trợ giúp bảo vệ quyền lợi ích của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần vào việc phổ biến tuyên truyền pháp luật.

Qua quy định này, chúng ta có thể thấy nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật chỉ là nhiệm vụ phụ đi kèm với việc trợ giúp pháp lý. Hoạt động trợ giúp pháp lý của chúng ta đang thiên về hướng tuyên truyền pháp luật như hiện nay liệu có làm hạn chế vai trò cũng như ý nghĩa của hoạt động này không?

Vấn đề nêu trên là những khó khăn mà chúng ta phải giải quyết để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong tương lai, sử dụng một cách hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực này.

Trước hết phải tích cực thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá về hoạt động trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể tiến hành bằng hình thức niêm yết tại các xã, phường các bản thông tin giới thiệu về hoạt động trợ giúp pháp lý, thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ liên hệ... Đặc biệt, nên thực hiện những chương trình truyền hình giới thiệu về những vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình, làm cho người dân thấy được ý nghĩa thiết thực của hoạt động trợ giúp pháp lý, làm cho hoạt động trợ giúp pháp lý trở nên gần gũi như người bạn của dân nghèo, đối tượng chính sách, khi gặp vấn đề liên quan đến pháp luật họ nghĩ ngay đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.

Đối với việc trợ giúp pháp lý lưu động bên cạnh chọn các địa bàn vùng sâu, vùng xa để tiến hành trợ giúp mang tính chất tuyên truyền pháp luật như hiện nay, cũng cần quan tâm đến các địa bàn là các thị trấn, các xã có dân cư đông đúc vì chính những nơi này mới là nơi có nhiều tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân, có nhiều vụ việc cần trợ giúp pháp lý. Việc trợ giúp pháp lý tại các địa bàn này cần tiến hành thông báo rộng rãi trên thông tin đại chúng một thời gian trước khi đoàn trợ giúp đến để người dân chủ động trong việc yêu cầu trợ giúp.

Bằng cách tiến hành trợ giúp pháp lý lưu động tại các địa bàn xa trung tâm nhưng có dân cư đông đúc sẽ giúp trung tâm có nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý hơn, khắc phục thực trạng hoạt động của trung tâm trợ giúp pháp lý chỉ thiên về tuyên truyền pháp luật là chủ yếu như hiện nay.

Hoạt động trợ giúp pháp lý mang sứ mệnh thiêng liêng thể hiện chính sách nhân đạo, dân chủ của nước ta, rất mong chúng ta sớm củng cố, phát triển hoạt động này để các trung tâm trợ giúp pháp lý thật sự là người bạn của dân nghèo, đối tượng chính sách.