Thái Nguyên sau 5 năm thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật

08:08, 21/08/2008

Thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17-1-2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2003-2007, Thái Nguyên đã triển khai công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn theo đúng sự chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch đề ra, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong tuyền truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.

Qua quá trình thực hiện, hiện nay công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp trên các nội dung chủ yếu như: Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; xây dựng hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể cũng đã được Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt như: Phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân gồm các đối tượng: Nhân dân ở thành thị; nhân dân ở nông thôn, nhân dân ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng vũ trang … Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã được thực hiện rất phong phú như: Phổ biến giáo dục thông qua tuyên truyền miệng; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua việc biên soạn phát hành tài liệu pháp luật; xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và các hoạt động trợ giúp pháp lý.

 

Qua 5 năm thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức đến hành động ở các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên được quan tâm, kiện toàn, củng cố và ngày càng hoạt động có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các ngành, các cấp đang từng bước được tăng cường về cả số lượng và chất lượng. Bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên trách, tỉnh ta cũng đã và đang xây dựng được một lực lượng đông đảo cán bộ cơ sở tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã mang tính thiết thực, gắn với từng đối tượng và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Cũng thông qua các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng đã từng bước nâng cao ý thức tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong đời sống xã hội, góp phần tích cực trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn và phát huy sự tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của nhân dân bằng pháp luật; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, hạn chế tranh chấp dân sự và tệ nạn xã hội… góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng còn có những hạn chế cần khắc phục là: Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, do đó chưa có sự quan tâm đúng mức về công tác này. Vai trò tham mưu trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan tư pháp còn có những hạn chế, nhất là ở cấp huyện, xã; đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở tuy đã được quan tâm đào tạo, kiện toàn, nhưng vẫn còn bất cập so với yêu cầu thực tế và số lượng còn thiếu so với yêu cầu.

 

Hiện nay ở cấp xã, phường, thị trấn mới chỉ có một cán bộ tư pháp- hộ tịch, trong khi số lượng công tác tư pháp cơ sở ngày càng được phân cấp thêm nhiều nhiệm vụ mới. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và cán bộ kiêm nhiệm làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu cả về số lượng và chuyên môn, nghiệp vụ; công tác hoà giải ở cơ sở nhiều nơi, nhiều lúc chưa thực sự được quan tâm, chưa triệt để, do vậy vẫn nẩy sinh những vụ việc phức tạp, kéo dài; trình độ dân trí nói chung và trình độ dân trí pháp lý nói riêng của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh.