Ngày 5-9, đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Hình sự 1999, đại diện các cơ quan nghiên cứu pháp luật, thi hành án, xét xử và điều tra TPHCM đã kiến nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội danh tham ô tài sản (điều 278) và tội nhận hối lộ (điều 289) mặc dù đồng tình quan điểm hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt này.
Liên quan việc sửa đổi các điều liên quan môi trường, do chủ thể của Bộ Luật Hình sự là cá nhân, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc “người đứng đầu tổ chức, pháp nhân có hành vi vi phạm môi trường gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự”. Việc bổ sung nguyên tắc này là hết sức cần thiết, do trên thực tế các vụ vi phạm liên quan môi trường hiện nay đều do các tổ chức, pháp nhân gây ra song chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính mặc dù hậu quả rất nghiêm trọng đối với cộng đồng và xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng điều luật về tội khủng bố cần được xây dựng một cách cơ bản, làm rõ bản chất chính trị của các hành vi khủng bố, trong đó xác định yếu tố cấu thành tội bao hàm ý đồ chống chính quyền nhân dân, tách biệt rõ giữa chính trị và các vấn đề khác cũng như không lẫn lộn giữa mục đích và hành vi. Các đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định xử lý hình sự đối với việc sử dụng chất ma túy, do quan điểm pháp lý hiện tại coi sử dụng ma túy là một loại tệ nạn xã hội, không phải tội phạm...