Đề nghị 24-30 tháng tù giam với ông Nguyễn Việt Chiến

09:22, 14/10/2008

''Tôi cảm thấy suy sụp khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao buộc tội. Nếu là kẻ chạy án, ăn hối lộ để viết bài, tuyệt đối tôi sẽ không ân hận'', bị cáo Chiến nói.

Lời buộc tội của công tố viên gần như không thay đổi so với cáo trạng. Khẳng định các bị cáo nguyên là phóng viên đã lợi dụng quyền tự do dân chủ viết bài xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, công tố viên đề nghị Hội đồng Xét xử (HĐXX) tuyên phạt 24-30 tháng tù giam đối với Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên), 18-24 tháng cải tạo không giam giữ với Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ).

Với nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác, công tố viên đề nghị mức án cho Phạm Xuân Quắc 12-24 tháng cải tạo không giam giữ, và Đinh Văn Huynh 24-30 tháng tù giam.

Dù chưa phải lúc nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, nguyên nhà báo Việt Chiến đã không nén nổi cảm xúc: "30 năm làm báo, trong đó 20 năm chuyên viết về nội chính. Tôi đã nhiều lần có mặt tại phòng xử án này. Các thẩm phán ngồi kia chắc cũng không lạ gì tôi. Với lương tâm của một nhà báo, tôi khẳng định không có mục đích nào xấu khi viết bài về PMU 18. Mong các vị hãy minh oan cho tôi". Cả phòng xử án lặng phắc khi nghe bị cáo, từng là cây bút được nhiều người biết tiếng trải lòng.

Trong phần tranh tụng, luật sư Phạm Hồng Hải bào chữa cho 2 bị cáo Chiến, Hải, cho rằng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKS) buộc các bị cáo tội danh lợi dụng quyền tự do dân chủ là không đủ căn cứ: "Để buộc được tội này, VKS phải chứng minh quyền lợi của cá nhân hay tổ chức nào đó bị xâm hại. Nhưng trong bản luận tội VKS không đưa ra bất cứ luận cứ nào về thiệt hại. Tôi đề nghị công tố viên đối đáp".

Nhắc lại lời khai của bị cáo Chiến về những nguồn tin khai thác, luật sư Hải lưu ý, bị cáo Chiến đã cung cấp nhiều băng ghi âm chứng minh cơ sở nguồn tin, nhưng những "vật chứng" này không được ghi nhận trong hồ sơ vụ án. "Những vật chứng này nằm ở đâu, tại sao không được đưa vào tài liệu làm căn cứ xem xét?", ông Hải đặt câu hỏi.

Dẫn ra các điều quy định liên quan đến họat động báo chí, vị luật sư nổi tiếng này cho rằng, nếu thân chủ ông phạm tội như cáo buộc của VKS thì người phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu có, phải là người đứng đầu cơ quan báo chí chứ không phải là bản thân người viết: "Pháp luật quy định, nếu viết bài sai sự thật, thì phóng viên phải đính chính, xin lỗi, bồi thường và nếu cần thì sẽ phải ra tòa trong vụ án dân sự khi người bị hại khởi kiện".

Kết thúc phần tranh luận trực tiếp, luật sư Hải đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại từ đầu và "thay đổi biện pháp ngăn chặn với các bị cáo".

Khác với đồng nghiệp Việt Chiến vẫn khẳng định sự vô tội, Nguyễn Văn Hải đã lặng lẽ chấp nhận luận tội của VKS. Ông nhìn nhận, dù trong các bài viết mà VKS cho rằng sai sự thật không có tên cá nhân nào cụ thể, song vẫn có những ảnh hưởng, tác động xấu. "Tôi đã rất day dứt. Tôi đã đề nghị ban biên tập có lời đính chính và xin lỗi trên mặt báo trước khi vụ án khởi tố", hướng lên HĐXX, giọng bị cáo chùng xuống.

Trong cả buổi chiều 14/10, 2 cựu sĩ quan điều tra Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh vẫn tiếp tục phủ nhận việc tiết lộ bí mật cho các phóng viên. Cho rằng, quá trình tố tụng có những thủ tục công khai như khởi tố, bắt giam các bị can, bị cáo Huynh khẳng định, việc cung cấp những tin này không phải là tội.

Bào chữa cho bị cáo Quắc, luật sư Nguyễn Thị Hà lập luận, ngoài lời khai của các nhân chứng về việc ông Quắc cung cấp tin thì VKS đã không đưa ra được gì cụ thể chứng minh ông tiết lộ bí mật điều tra: "Tôi không tin thân chủ của tôi không phân biệt được đâu là bí mật của vụ án và đâu là thông tin có thể công khai. Vì nếu không biết được điều này, chắc chắn ông Quắc đã không thể làm Cục trưởng, được phong hàm thiếu tướng".

Cho rằng cáo trạng không có dòng nào chứng minh động cơ mục đích vụ lợi của bị cáo cũng như thiệt hại từ hành vi của bị cáo, nữ luật sư duy nhất trong phiên xử đề nghị tòa tuyên vô tội cho bị cáo Phạm Xuân Quắc.