Ngày 15/10, Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15), Bộ Công an thông báo kết quả bước đầu phá đường dây sản xuất, buôn bán phân bón giả lớn nhất từ trước đến nay.
Trước đó, cơ quan công an đã khám xét khẩn cấp 5 điểm, trong đó có 2 cơ sở sản xuất và 3 cửa hàng bán phân bón giả NPK ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, thu giữ 4.000 bao phân NPK các loại với tổng trọng lượng khoảng trên 82 tấn thành phẩm.
Trên mỗi bao bì đều ghi "Công ty Cổ phần sản xuất thương mại- Dịch vụ Tân Trường Sinh" (công ty Tân Trường Sinh). Ngoài ra cơ quan công an còn thu giữ khoảng 38.000 vỏ bao, 8 máy sản xuất.
Theo tài liệu trinh sát, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Tân Trường Sinh, địa chỉ ở Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) và HTX cổ phần Bắc Bình Vương đã tiến hành sản xuất với số lượng lớn phân bón giả. Số phân này đã được đưa đi tiêu thụ tại hàng chục đại lý các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên.
Nguyên liệu sản xuất phân bón giả chủ yếu là xỉ than, được mua từ nguồn xỉ bãi thải nhà máy Công ty nhiệt điện Phả Lại cùng đất sét, vôi bột được nghiền bằng máy, trộn khoảng 0,2% lượng NPK.
Để cho ra lò phân bón rởm, chủ sản xuất đã đào tạo hơn 20 nhân công. Hàng sản xuất đến đâu được vận chuyển đi tiêu thụ đến đó. Trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng khoảng 20- 30 tấn. Giá bán loại phân bón giả này dao động từ 2.000- 8.000 đồng/kg.
C15 đã triệu tập, lấy lời khai của Nguyễn Phi Sinh, Giám đốc, chủ cơ sở sản xuất và các chủ đại lý tiêu thụ phân bón, qua đó làm rõ, phân bón giả được sản xuất từ cuối tháng 12/2007, chỉ trong 8 tháng, doanh số bán 1.000 tấn phân bón rởm đã lên tới hơn 12 tỷ đồng.
Mới đây cơ quan điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn gia súc để chăn nuôi, phân bón. Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả trong vụ án này.
Được biết, quá trình sản xuất phân bón đầu tư dây chuyền khá tốn kém với nguyên liệu đắt nên giá phân bón thật thường cao. Và khi phân bón đội giá thì càng xuất hiện nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Có hai loại phân bón giả, một loại có 100% nguyên liệu là đất sét; loại thứ hai người ta đưa một số chất tạo mầu, tạo mùi như đất đèn, xỉ than, đất sét và một tỷ lệ đạm không đáng kể. Phân bón loại này thường được đem tiêu thụ ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa với giá rẻ.
Theo thống kê của Hiệp hội phân bón, cả nước có 53 thương hiệu được phát hiện làm phân bón kém chất lượng và vi phạm; trong đó có 4 vụ làm giả phân bón bị cơ quan điều tra khởi tố, điều tra.