Ngày 3/10, sau 5 ngày xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự đối với tập đoàn lừa đảo của Nguyễn Lâm Thái và các bị cáo nguyên là quan chức ngành bưu điện.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng bác kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự và trả lại số tiền đã nộp tại cơ quan điều tra nhằm khắc phục hậu quả trong vụ án của các quan chức ngành bưu điện như: Phạm Chương, Tạ Quang Vĩnh, Lâm Minh Thủy, Dương Văn Thuần, Ngô Quang Thạch, Bùi Trọng Khái, Lê Anh Hùng, Lê Thanh Hùng, Nguyễn Văn Thịnh, Phạm Hồng Khanh.
Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ một phần hình phạt nhưng lại tổng hợp thêm mức án đã có hiệu lực từ một bản án khác cho 2 bị cáo Lê Quang Trung (nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu) và Nguyễn Tứ Dũng (nguyên trưởng phòng kế toán Bưu điện tỉnh Bạc Liêu). Theo đó Lê Quang Trung lĩnh 5 năm tù, Nguyễn Tứ Dũng lĩnh 4 năm tù.
Theo bản án, Nguyễn Lâm Thái lợi dụng pháp nhân đã đứng ra thành lập 7 công ty “con” (gọi tên chung là tập đoàn CIP). Thông qua các công ty “con” này, Thái đã chỉ đạo cấp dưới của mình lập các bản báo giá, hồ sơ dự thầu… với giá cao hơn mức bình thường để chào bán cho các bưu điện trong cả nước.
Với thủ đoạn dùng công văn thẩm định giá của Trung tâm Thẩm định giá trực thuộc Bộ Tài chính và Công văn 6305 ngày 22/10/2003 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Thái đã tạo lòng tin để cho các bưu điện mua sản phẩm của mình với giá cao hơn.
Bằng thủ đoạn này, từ năm 1999 đến năm 2005, Nguyễn Lâm Thái và các giám đốc “con” trong “Tập đoàn CIP” đã ký kết 110 hợp đồng kinh tế với 26 bưu điện các tỉnh, thành và các công ty thuộc VNPT với tổng giá trị là hơn 31 tỉ đồng, chiếm đoạt tổng cộng hơn 24 tỉ đồng.