Vụ án từng được gây sự chú ý đặc biệt của dư luận khi có tới 16/17 bị cáo được Toà sơ thẩm TAND Thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) tuyên vô tội. Kết quả án sơ thẩm sau đó đã gây ra cuộc tranh luận “có tội hay vô tội” giữa Viện kiểm sát và Toà án.
Theo cáo trạng của VKS thị xã Thủ Dầu Một, vào năm 1995, Võ Bảy - Đội trưởng đội thu phí cầu Phước Hòa (huyện Phú Giáo) được Sở GTVT Bình Dương giao chỉ tiêu thu phí hàng năm. Từ đây, Võ Bảy khoán định mức hàng ngày, số tiền từ 2,5 triệu đến 2,7 triệu đồng cho từng ca trực, nếu thu dôi ra thì chia nhau..
Năm 2001, Võ Bảy được điều chuyển về làm đội trưởng trạm thu phí cầu Phú Cường (Thị xã Thủ Dầu Một) nhưng vẫn áp dụng cách thu và chia cũ. Đêm 15/12/2002, CA tỉnh Bình Dương bắt quả tang ca trực của Lê Văn Phép và Nguyễn Hữu Đông, đội viên trạm cầu Phú Cường đang cho 12 xe quá tải qua cầu (mỗi xe nặng từ 31 - 33 tấn, trong khi trọng lượng cho phép qua cầu là 18 tấn – PV) để thu 30-60.000 đồng/xe mà không xé vé.
Tại cơ quan điều tra, Phép và Đông khai nhận nộp cho Võ Bảy 2,7 triệu đồng theo mức khoán, số thừa thì chia nhau (Võ Bảy; 850.000 đồng, Đông: 700.000 đồng và Phép: 640.000 đồng).
Căn cứ lời khai trên, ngày 17/12/2002 CA tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Võ Bảy, Lê Văn Phép và Nguyễn Văn Đông về tội “nhận hối lộ”. Tiếp đó, Công an khởi tố thêm 14 nhân viên từng làm việc dưới quyền Võ Bảy ở Trạm thu phí Phú Cường và Phước Hòa.
Điều đáng nói là với 17 cán bộ trên, từ tội danh ban đầu “nhận hối lộ”, sau đó được CQĐT chuyển thành tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và cuối cùng được xác lập tội “tham ô tài sản” (quá trình chuyển hoá tội danh diễn ra gần 4 năm).
Đó là chưa kể, ban đầu 17 bị can khai chiếm dụng của Nhà nước 6,5 tỷ đồng, đem chia nhau 3,77 tỷ đồng, lập “quỹ đen” 2,75 tỷ đồng. Nhưng sau cáo trạng chỉ quy số tiền chiếm đoạt là 164 triệu đồng, cuối cùng “chốt” lại số tiền thiệt hại chỉ còn…67,3 triệu đồng (?)
Trong các ngày 25 - 29/7/2008, phiên Toà sơ thẩm - TAND Thị xã Thủ Dầu Một được mở. Trong khi Viện KSND Thị xã Thủ Dầu Một tỏ ra “cứng rắn” đề nghị phạt bị cáo Võ Bảy từ 9 đến 10 năm tù; 15 bị cáo còn lại (một bị cáo chết – PV) từ 7 đến 9 năm tù…thì TAND Thị xã Thủ Dầu Một lại tuyên 16 bị cáo trên vô tội. Theo nhận định của Toà, không những số tiền giảm theo lời khai của các bị cáo, mà còn không có sổ sách, chứng từ để chứng minh.
Điều quan trọng hơn, CQĐT đã không chứng minh được tổng số lượng xe qua trạm để đối chiếu với số tiền nộp ngân sách, nhằm tìm ra khoản tiền chênh lệch mà các bị cáo chiếm đoạt (?)
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, ngày 8/8/2008, Viện KSND Thị xã Thủ Dầu Một đã kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh Bình Dương tuyên các bị cáo phạm tội tham ô.
Không tham ô… chỉ nhận tiền bồi dưỡng (?)
Hôm nay (11/10) tại phiên toà phúc thẩm tại TAND tỉnh Bình Dương, Toà đã đề nghị triệu tập 12 tài xế và lơ xe (nhóm bị bắt quả tang tối 15/12/2002) để thẩm vấn, nhưng chỉ có 1 tài xế có mặt.
Tuy nhiên, khi trả lời thẩm vấn, tài xế đã phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra, thay vì thừa nhận đưa số tiền 30 nghìn đồng/lần để qua trạm không phải mua vé. Tài xế này cho rằng đây là trách nhiệm của lơ xe, mình không biết (?) Thậm chí tài xế "ngây ngô" nói với Toà, đã chạy xe 6 tháng nhưng không biết mức phí qua cầu Phú Cường là bao nhiêu (?)
Trước thái độ nêu trên, VKS tỉnh Bình Dương đã đề nghị Toà cho công bố bút lục ghi lời khai của các tài xế và lơ xe khác. Tài xế Trương Quang Lợi khai, qua cầu Phú Cường không cần mua vé mà chỉ đưa cho người thu phí (không biết tên) 50 nghìn đồng là đựơc đi. Tương tự, tài xế Nguyễn Huy Vũ cũng chi số tiền 30 nghìn đồng/lượt, mỗi ngày qua 3 lượt… đưa thẳng cho cán bộ thu phí.
Tiếp đó, các bị cáo lần lượt được gọi lên thẩm vấn, nhưng phần lớn đều phủ nhận bút lục mà VKS công bố cũng như lời khai nhận tội trước đây tại CQĐT.
Bị cáo Nguyễn Hữu Đông khai: cán bộ trạm đồng thời làm cả hai nhiệm vụ là bảo vệ cầu và thu phí. Nhiều khi có xe quá khổ, quá tải bất chấp chạy qua, không dừng được nên phải bán vé như bình thường (?)
Trường hợp tài xế qua trạm không lấy vé thi nhân viên soát vé cũng phải tự huỷ số vé đấy. Lời khai này trái ngược với nội dung bút lục mà VKS công bố cho thấy xe quá khổ quá tải không chỉ được nhân viên thu phí “bỏ qua” mà còn thu số tiền tổng cộng 27 triệu đồng, không đưa vào sổ sách…
Về phần bị cáo Nguyễn Văn Phép lại có cách giải thích trước Toà về số tiền vượt định mức được các cá nhân chia nhau; Theo bị cáo, số tiền 8 triệu đồng là do tài xế không lấy tiền thừa, nên anh em giữ lại chia nhau, coi như tiền bồi dưỡng..
Còn bị cáo Võ Bảy khẳng định mình không sai, thậm chí chiếu theo quy định, trạm còn được hưởng 5% số tiền thu được… Đại diện VKS cho rằng, số tiền 5% đã chấm dứt thực hiện từ năm 2002, vậy không có cơ sở để trạm giữ lại số tiền này.
Ngày 12/11, phiên Toà tiếp tục phần thẩm vấn.