Đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với 17 loại tội

09:43, 03/11/2008

Ủy ban Tư pháp cho rằng không nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh tham ô tài sản và nhận hối lộ vì hiện nay tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn

Hôm qua, 3-11, Quốc hội đã nghe trình dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, Luật Lý lịch tư pháp, đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã.

Trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đưa ra 5 tiêu chí để thu hẹp hình phạt tử hình. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới – thu hẹp và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. Chính phủ đề nghị bỏ án tử hình đối với 17 loại tội, như: tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; hiếp dâm; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; chiếm đoạt máy bay, tàu thủy; tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ...

Về việc bỏ án tử hình đối với hai tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích để đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, điều quan trọng không phải là tước đoạt sinh mạng của họ mà phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý là các biện pháp loại bỏ, triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện phạm tội (không cho tiếp tục đảm nhiệm chức vụ) và thu hồi các khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà họ có được từ việc phạm tội... Do đó, trên cơ sở đối chiếu với các tiêu chí như đặc điểm nhân thân người phạm tội, thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình, khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình và có tính đến xu hướng chung trên thế giới, đối với 2 loại tội này, hình phạt cao nhất nên là chung thân. Bên cạnh đó, kết hợp với các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, thu hồi các khoản thu lợi bất chính là đủ để răn đe, trừng trị đối với người phạm tội.

Tuy nhiên, thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đề nghị: “Không nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh tham ô tài sản và nhận hối lộ vì hiện nay tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn và theo báo cáo của Chính phủ thì vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp”. Theo bà Lê Thị Thu Ba, đấu tranh phòng chống tham nhũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước. Việc duy trì hình phạt này vừa đề cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng trong giai đoạn hiện nay vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng, củng cố lòng tin của người dân với bộ máy Nhà nước.