Cuối buổi chiều ngày 12/11, đại diện Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương đã có kiến nghị Toà phúc thẩm TAND Bình Dương huỷ án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ án “tham ô tài sản”, xảy ra tại trạm thu phí cầu Phú Cường…
Luật sư: Các bị cáo đều vô tội?
Ngày làm việc thứ 2, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục thẩm vấn các bị cáo còn lại và đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương nhằm làm rõ có hay không việc tài xế qua cầu, trạm thu tiền nhưng không xé vé, vai trò quản lý Nhà nước của Sở này…
Vị đại diện Sở GTVT được “quay” nhiều nhất; Đại diện VKS cho rằng từ năm 1996 – 2002 Sở giao cho trạm thu phí do Võ Bảy làm phụ trách có nhiệm vụ bảo vệ và thu phí qua cầu. Nay phát hiện nhân viên không tròn nhiệm vụ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, Sở có ý kiến gì ?
Theo Sở GTVT, qua kiểm tra chưa phát hiện tình trạng gian lận trong thu phí, chỉ biết giao khoán cho nhân viên, họ thu đủ nộp về nên không thể tính được thiệt hại. Còn về năng lực có kiểm soát nổi việc thu phí hay không, Sở này cho rằng căn cứ lượng vé và loại vé phát hành ra (vé xé ra là tính tiền) nên hàng ngày có thể quản lý được trạm thu phí này!?
Đại diện VKS hỏi lại: "Trường hợp thu tiền không xé vé có đúng không? Việc này (nếu có) theo Sở có gây tổn thất ngân sách Nhà nước?", thì vị đại diện Sở GTVT cho rằng có thiệt hại cho ngân sách nhà nước và Sở bị ảnh hưởng uy tín trong việc quản lý việc thu phí qua hai cầu này. Tuy nhiên, Sở này cho rằng, việc VKS quy kết số tiền 67,3 triệu đồng là tiền tham ô là chưa đúng, bởi đây "là tiền dư mỗi lần qua cầu tài xế cho nhân viên soát vé, mỗi lần vài ngàn đồng, dồn lại nhiều năm mới lớn như vậy" (?).
Tại phiên Toà, luật sư Trần Hữu Khánh bào chữa cho các bị cáo lập luận: việc VKS buộc các bị cáo tham ô số tiền 67,3 triệu đồng chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo là chưa đủ chứng cứ, trái quy định của luật tố tụng hình sự.
Cũng theo luật sư Khánh, hành vi tham ô tại trạm thu phí cầu Phước Hoà (nếu có) đã kết thúc cách đây 6 năm rồi, nhưng cơ quan tố tụng lại lấy sự việc xảy ra ở trạm thu phí cầu Phú Cường (bị CA bắt quả tang - PV) để quy buộc hành vi là không có căn cứ, thiếu thuyết phục. Đó là chưa kể chỉ có 4 bị cáo thực hiện hành vi trong ngày bị bắt quả tang (15/12/2002) mà ngay hành vi này cũng chưa đủ cơ sở để cáo buộc tội tham ô cho các bị cáo. Giả sử các bị cáo có nhận tiền đi nữa thì xét xử tội “nhận hối lộ” chứ không phải tội “tham ô” (?)
Viện kiểm sát: Toà sơ thẩm đã “phạm luật nghiêm trọng”
Đó là nhận định của đại diện VKS tỉnh Bình Dương khi nói về bản án sơ thẩm của TAND thị xã Thủ Dầu Một. Theo Viện, có 3 điểm quan trọng để khẳng định các bị cáo phạm tội nhưng Toà sơ thẩm đã bỏ qua.
Thứ nhất, hành vi tham ô được thể hiện qua lời khai của các lơ xe và tài xế. Theo lời khai của 24 người là lơ xe và tài xế của 12 chiếc xe quá khổ, quá tải bị bắt giữ ngày 15/12/2002, xe họ khi qua cầu, có đưa tiền nhưng nhân viên không xé vé. Nhiều tài xế khẳng định đi qua trạm nhiều lần, thậm chí hàng trăm lần, nhưng nhân viên không xé vé.
Thứ hai là lời khai của các bị cáo trong thời gian bị tạm giam nhiều điiểm trái ngược nhau, tuy nhiên, khi được tại ngoại và đưa ra xét xử phúc thẩm thì các bị cáo đều khai giống nhau và đồng loạt kêu oan, xin xử vô tội.
Cuối cùng là các khoản chi: chi tiếp khách, đám cưới, liên hoan…rất thoải mái. "Vậy tiền này lấy ở đâu, khi khoản trích lại 5% của Sở GTVT đối với trạm thu Phú Cường đã chấm dứt từ cuối năm 2000?" - đại diện VKS "chất vấn".
Theo VKS tỉnh Bình Dương, có đủ chứng cứ để buộc tội 16 bị cáo tội “tham ô”. Do vậy Viện đã kiến nghị Toà phúc thẩm TAND tỉnh Bình Dương căn cứ diễn biến mới tại phiên toà để ra quyết định huỷ án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm để tiến hành điều tra lại từ đầu.
Phiên toà dừng lại vào lúc 17h30, dự kiến chiều ngày 14/11 HĐXX sẽ nghị án.