Giảm nhẹ án cho các bị cáo vụ phá rừng Kẻ Gỗ

08:36, 13/11/2008

Sau 2 ngày xét xử, chiều 13/11, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án các bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ hủy hoại rừng Kẻ Gỗ. Các bị cáo đều được giảm án, bị cáo Nguyễn Tiến Dũng phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng chỉ bị xử phạt… cảnh cáo.

Các bị cáo Nguyễn Trọng Hải và Nguyễn Trọng Hảo (nguyên là các Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng) tiếp tục bị tòa án cấp sơ thẩm truy cứu với tội danh “hủy hoại rừng”. Nguyễn Tiến Dũng - cán bộ kỹ thuật và Lê Tự Kỳ - nguyên Trưởng ban QLKBTTN Kẻ Gỗ bị truy cứu tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

TAND Hà Tĩnh cho rằng, mức án mà TAND huyện Cẩm Xuyên dành cho các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm là... quá nặng nên đã giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Nguyễn Trọng Hải phải chịu mức án 36 tháng tù, chịu thời gian thử thách là 60 tháng. Nguyễn Trọng Hảo (Trưởng trạm bảo vệ rừng số 3) 18 tháng tù, chịu thử thách 36 tháng, Lê Tự Kỳ 15 tháng tù, được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam chịu thử thách 28 tháng.

Tất cả 3 bị cáo đều được hưởng án treo. Riêng bị cáo Nguyễn Tiến Dũng nhận mức cảnh cáo tại phiên tòa.

Như vậy, so với bản án sơ thẩm, các bị cáo Nguyễn Trọng Hảo được giảm 18 tháng tù treo, Lê Tự Kỳ được giảm 9 tháng tù treo so với bản án sơ thẩm.
Đặc biệt, sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ tội và những chứng cứ mà luật sư đưa ra, HĐXX phiên tòa phúc thẩm đã chuyển án cho bị cáo Nguyễn Trọng Hải từ 36 tháng tù giam thành tù treo, bị cáo Nguyễn Tiến Dũng từ 15 tháng tù treo thành… cảnh cáo (!?)

Đáng nói hơn, bị cáo Nguyễn Tiến Dũng đã được luật sư bào chữa đưa ra những chứng cứ cho rằng, việc lập hồ sơ thiết kế của Dũng trong thời gian đó không hề liên quan gì đến hành vi chặt phá rừng của Nguyễn Trọng Hảo. Bởi, việc chặt phá rừng diễn ra cùng lúc bản thiết kế đang được lập và Hảo không hề dựa vào hồ sơ thiết kế của Dũng để làm nên Dũng không phạm tội.

Tuy nhiên, HĐXX đã bác bỏ những luận chứng biện hộ cho Nguyễn Tiến Dũng, tiếp tục giữ vững quan điểm tội danh mà Dũng đã bị VKSND Hà Tĩnh truy tố là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chỉ tuyên phạt mức cảnh cáo.

Nguyễn Trọng Hải đã đưa ra bản hợp đồng photo chứng minh cho việc chặt phá rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 321 (vị trí mà Hải bị truy tố là hủy hoại rừng) là đã được hợp đồng với Ban QLKBTTN Kẻ Gỗ (lúc đó ông Nguyễn Hữu Thành làm Trưởng ban).

Tuy nhiên, bằng chứng này chỉ là bản photo nên đã bị tòa bác bỏ. Trong phần bào chữa cho bị cáo Hải, Luật sư Phạm Hồng Hải cho rằng, bản hợp đồng trên vẫn có giá trị pháp lý tại phiên tòa, nếu cần thì có thể đưa đi giám định.

Và nếu đúng là có bản hợp đồng đó thì sẽ có thêm nhiều các cá nhân liên quan đến việc cấp sai đất, dẫn đến việc rừng phòng hộ bị phá.

Bản kết luận vụ án được vị thẩm phán đọc tại phiên tòa đã khẳng định hành vi của các bị cáo là phá rừng cũ để trồng rừng nguyên liệu chứ không có mục đích hủy hoại rừng nhằm trục lợi nên được xem xét giảm nhẹ mức án (bị cáo Nguyễn Trọng Hải đã trồng được hơn 20ha cây keo lai).

Ngoài ra, bản kết luận tại phiên tòa phúc thẩm lần này cũng đã nói đến trách nhiệm của các cá nhân, các cơ quan như Sở NN&PTNT và Sở TN - MT trong việc tham mưu cho UBND tỉnh dẫn đến việc rừng phòng hộ bị tàn phá nên có nhiều thiếu sót và cần… nghiêm túc rút kinh nghiệm!

Phiên tòa phúc thẩm đã kết thúc, các bị cáo trong vụ án đều đã được xem xét và giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn một mực cho rằng bị oan. Tại đây, bị cáo Nguyễn Trọng Hải cho biết, sẽ tiếp tục kháng án lên mức cao hơn nữa.