Kẻ lừa đảo ''ôm''10 tỷ đồng tiền lừa rồi bỏ trốn, khiến hơn 100 bị hại là những người nông dân đã lâm vào cảnh điêu đứng, nợ nần chồng chất.
Có mặt tại phiên tòa, nhiều bị hại là những nông dân châm lấm tay bùn chỉ vì tin tưởng các bị cáo, họ đang phải nợ nần chồng chất. Riêng số nạn nhân ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có tới 31 người. Để có tiền nộp cho Lan, đa số những người nông dân đều phải đi vay mượn anh em, ngân hàng, thậm trí, vay nợ lãi.
Với dáng người khắc khổ, bà Nguyễn Thị N., mẹ của nạn nhân Hồ Mạnh Tùng ở xã Thanh Trạch, cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Tùng muốn đi lao động để kiếm ít tiền giúp đỡ gia đình. Thương con bà đã mang sổ đỏ đi cầm ở ngân hàng, vay hơn 100 triệu nộp cho Lan. Công việc đâu chẳng thấy, giờ cả gia đình bà đang phải “kéo cày” trả lãi cho ngân hàng. Số tiền vay nợ quá lớn đối với một gia đình nhà nông, chẳng biết đến bao giờ bà mới trả hết nợ.
Trước đó, do biết chủ trương của Bộ Quốc Phòng có tuyển người đi lao động ở Hàn Quốc đối với quân nhân đã xuất ngũ, Nguyễn Thị Lan (SN 1971 ở Phù Ủng, Ân Thi, Hải Dương) đã lợi dụng danh nghĩa Công ty TNHH Lan Giang ra thông báo tuyển người đi lao động theo chỉ tiêu của Bộ Quốc Phòng.
Để tìm mối tuyển người, Lan đã móc nối với Trần Anh Tuấn (SN 1972 ở Gia Bình, Bắc Ninh), thuê Tuấn tuyển người lao động cho Lan. Lan hứa chỉ thu mỗi một lao động 6.000 USD/người, còn Tuấn thu chênh lệch bao nhiêu thì được bỏ túi bấy nhiêu. Trên thực tế, Tuấn đã thu của mỗi một lao động 8.000 USD và Tuấn còn nhiệt tình tham gia vào “kế hoạch” của Lan từ đầu đến cuối.
Do quen biết nhau từ trước, Lan đã thông báo với Phạm Thị Lập (SN 1959 ở Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) việc quận khu 3 (Hải Phòng) đang tuyển người đi lao động, Lan nhờ Lập tìm đường dây chạy cho số lao động của Công ty Lan Giang đi theo chỉ tiêu của Quân khu 3, nếu thành công Lan sẽ trả cho Lập 500 USD/người.
Thấy số hoa hồng Lan trả quá cao, Lập vội tìm tới Hoàng Văn Hỷ (SN 1952 ở Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng), là Chủ tich HĐQT của Công ty Cổ phần sông biển Bắc Nam (Phạm Thị Lập là giám đốc) để bàn bạc tìm người lo thủ tục ở Quân khu 3.
Qua “dắt mối” của mấy xe ôm, Hỷ đã gặp Bùi Văn Trung ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Trung tự giới thiệu với Hỷ, Trung là Thượng úy, làm ở phòng chính sách, Quân khu 3 chuyên làm về XKLĐ, đồng thời, Trung đưa cho Hỷ tờ thông báo tuyển người đi lao động ở Hàn Quốc. Gặp Trung xong, Lập thông báo đã tìm được “đường” đưa người đi lao động theo tiêu chuẩn của Quân khu 3.
Nhận được thông tin từ Lập, Lan đã thông báo và thực hiện tuyển lao động ồ ạt. Để tạo lòng tin cho các đầu mối thu tiền và người lao động, Lan đã mời các đầu mối đi ăn uống, trong buổi gặp gỡ đó Lan dẫn theo Trần Văn Khảm là bộ đội biên phòng, và giới thiệu là chồng, đơn vị của Khảm đang tuyển bộ đội xuất ngũ đi XKLĐ, do đó Lan sẽ lo được hồ sơ.
Sau khi tạo được lòng tin với mọi người, Lan phổ biến mỗi một người lao động sẽ phải nộp 8.000 USD cùng 2.500.000 đồng tiền học nghề. Bằng thủ đoạn đó, Lan đã lừa được 101 người lao động và các đầu mối tuyển người.
Theo tố cáo của các nạn nhân, Lan đã nhận từ 7 đầu mối và người lao động trực tiếp nộp cho Lan 610.7000USD và 237.500 ngàn tiền học phí đào tạo nghề. Nhận được tiền xong, Lan cũng tổ chức cho một số lao động đi học nghề và khám sức khỏe, đồng thời thị đưa ra tờ thông báo của phòng chính sách sư đoàn về việc cho người đi lao động.
Theo lời hứa của Lan, chỉ sau 3 tháng, chậm nhất là 6 tháng, người lao động sẽ được ký hợp đồng và sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, sau đó người lao động đã bặt tin của Lan.
Đến ngày 3/3/2006, Nguyễn Thị Lan đã bị bắt theo lệnh truy nã. Tại cơ quan công an, Lan thừa nhận rằng ả biết rõ việc đưa người theo chỉ tiêu của Quân khu 3 là khó thực hiện, nhưng số tiền thu được quá dễ dàng đã khiến Lan “mờ mắt”.
Lan khai số tiền thu của người lao động Lan đã đưa cho Lập 133.000 USD, Hoàng Văn Hỷ 64.000 USD, trả cho các đầu mối được 134.200 USD, còn lại Lan chi tiêu cho cá nhân hết.