Nguyên Phó TGĐ Công ty VIFON bị bắt

07:36, 04/11/2008

Ngày 4/11, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON), đã bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để cảnh sát điều tra, làm rõ hành vi ''tham ô tài sản''.

Bà Huyền (SN 1955) bị tình nghi đã tham ô hơn 8 tỷ đồng của Công ty VIFON. Trước khi lên chức Phó TGĐ, bà Huyền từng là Kế toán trưởng của công ty này.

Công ty VIFON ra đời từ năm 1963, bởi 14 nhà tư sản người Việt gốc Hoa gốp vốn thành lập, chuyên sản xuất mỳ ăn liền, bột ngọt, tàu vị yểu, cá hộp, thịt hộp,… Sau tháng 4/1975, VIFON được nhà nước tiếp quản và phát triển với 5 nhà máy, 3 xí nghiệp và 2 công ty thành viên.

Từ năm 1995 - 2004, VIFON liên doanh với Công ty Acecook. Năm 2005, VIFON đưa 51% phần vốn của Nhà nước bán ra ngoài để trở thành công ty cổ phần 100% vốn sở hữu tư nhân.

Trong thời gian cổ phần hóa, cuối tháng 3/2005 Bộ Công nghiệp cho phép Cty Vifon trích 7,9 tỷ đồng, từ lợi nhuận chuyển nhượng góp vốn liên doanh với Ajinomoto Việt Nam và Acecook vào quỹ khen thưởng phúc lợi.

Bà Huyền bị tình nghi đã chỉ đạo phòng kế toán lập chứng từ khống, để chiếm đoạt trên 2,3 tỷ đồng trong qu‎ỹ phúc lợi này.

Ngoài ra, bà Huyền còn bị tình nghi đã tham ô 5,8 tỷ đồng, tiền hỗ trợ phí chuyển nhượng liên doanh của Công ty TNHH Xay lúa mì chuyển cho VIFON vào tháng 5/2003. Công ty TNHH Xay lúa mì chuyển 400.000USD cho VIFON, nhưng bà Huyền đã chỉ đạo hạch toán sai nguyên tắc, quy đổi ra tiền Việt Nam, lập thủ tục thu chi khống, huy động vốn giả để rút ra 5,8 tỷ đồng.

Cùng trong ngày 4/11, cảnh sát đã khám xét nơi cư ngụ của bà Huyền, là căn biệt thự ở quận 10, TP.HCM, thu giữ nhiều tài liệu. Hiện cảnh sát đang mở rộng điều tra, để làm rõ hành vi của ít nhất 4 cá nhân khác có liên quan.

Mới đây, ngày 30/10, Công ty VIFON tổ chức Đại hội cổ đông bất thường lần 2 năm 2008, tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, nơi có trụ sở của công ty này.

Đại hội cổ đông bất thường này được tổ chức nhằm thông qua dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm tại khu vực phía Bắc, thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi và mục đích, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu.