Những tử tù thoát tội chết

14:00, 24/11/2008

Bị bắt quả tang đang cầm bánh ma túy trong tay, Thúy bị tòa tuyên án tử hình. Sau những ngày sống tuyệt vọng trong trại giam, cô chỉ còn le lói chút hy vọng nên thức trắng 3 đêm viết thư xin Chủ tịch nước ân xá.

Trước khi thụ án, Thúy là một cô gái Hà Nội hiền lành. Hai mươi tuổi, cô phải lòng một chàng trai thủ đô và bắt đầu cuộc sống hứa hẹn hạnh phúc bằng một đám cưới linh đình. Với số tiền tích góp, Thúy mở tiệm cắt tóc trên đường Mai Hắc Đế (Hà Nội) và lần lượt có hai đứa con, một trai, một gái. Cuộc sống của gia đình tưởng như sẽ hạnh phúc trọn vẹn thì mọi chuyện lại bắt đầu vào giữa năm 1997 khi cô bị cảnh sát bắt quả tang đang tàng trữ một bánh heroin trong túi xách.

Ngày ra tòa, Thúy khóc hết nước mắt, trình bày với tòa mình bị lừa nhưng lại chẳng đưa ra được bằng chứng gì. Trong khi chứng cứ phạm tội của cô thì lại quá rõ ràng. Với lượng ma túy lớn, cô bị tòa tuyên án tử hình về tội buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Thúy như cái xác không hồn héo hắt lên xe về trại, không còn nhận biết được chồng con, gia đình gào khóc sau chân cô. Đến khi sực tỉnh, thảng thốt tìm kiếm những đứa con thì chiếc xe bít bùng đã rời xa sân tòa... Những ngày sau đó, Thúy sống trong tuyệt vọng, không ăn uống và chỉ nghĩ đến cái chết. Được sự động viên, chỉ bảo của cán bộ trại tạm giam, Thúy nuôi chút hy vọng le lói vào cơ hội cuối cùng là lá thư xin Chủ tịch nước ân xá.

Thức trắng ba đêm không ngủ, Thúy nắn nót trong từng nét chữ viết thư trình bày hoàn cảnh phạm tội và gửi lời cầu xin Chủ tịch nước. "Những tháng ngày chờ đợi sau đó là khoảng thời gian dài như vô tận. Cứ mỗi lần nghe tiếng cửa buồng biệt giam bên cạnh lách cách mở khóa là tôi hoảng hốt vì sợ giờ thi hành án đã điểm", cô chia sẻ.

Ba tháng chờ đợi với tia hy vọng le lói, một ngày, cô đã nhảy cẫng lên ôm chầm lấy vị cán bộ trại giam, hò hét vui mừng như một đứa trẻ khi nghe đọc quyết định được giảm án từ tử hình xuống chung thân. Phải đến khi giám thị nhắc nhở “vui vừa thôi, mai mốt vào trại giam”, cô mới sực tỉnh, nở nụ cười bẽn lẽn. Một tuần sau, nữ tù này vẫn nguyên cảm giác lâng lâng như trong mơ.

Đã thụ án được hơn 11 năm, cô vẫn phấn đấu lao động cải tạo, mong đến ngày được đặc xá, tha tù. Chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho cuộc sống sau khi được tha, cách đây hơn một tháng, cô mới được nhận bằng công nhân kỹ thuật may bậc 3/7 do trại giam phối hợp với trung tâm giáo dục quận Bình Thạnh tổ chức dạy nghề và cấp bằng. Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt người phụ nữ đang mong chờ từng tháng, từng ngày được trở về với xã hội.

Cũng như Thúy, tử tù Nguyễn Văn Tâm phạm tội hiếp dâm trẻ em đã sống vật vã, đau khổ chờ cái chết để rồi vỡ òa niềm vui trong ngày được sinh ra lần thứ hai - đó là ngày nhận quyết định đặc xá.

Gương mặt góc cạnh, sạm đen, già hơn tuổi 46 của mình, phạm nhân Tâm vẫn thoáng rùng mình khi kể về những ngày chờ đợi ra pháp trường. “Chưa bao giờ tôi tuyệt vọng đến vậy. Chỉ khi đối diện với cái chết, cảm nhận được cái chết đang lơ lửng trên đầu người ta mới thèm sống đến vậy", Tâm chia sẻ.
Trước khi phạm tội, Tâm đã lập gia đình và có tới bốn đứa con, sinh sống sung túc ở Đồng Nai. Vốn hoạt bát nhanh nhẹn, lại chịu khó, anh là lao động chính trong gia đình, kiếm tiền nuôi vợ con. Qua lại làm ăn ở huyện bên một thời gian, Tâm có một người tình trẻ, cho đến một ngày, "mẹ vợ hờ" trình báo công an và Tâm bị bắt với tội hiếp dâm trẻ em. Nạn nhân của Tâm chỉ mới 13 tuổi.

"Khi nghe tòa tuyên án tử hình, tôi gục xuống vành móng ngựa, không đứng lên nổi, trời đất như sụp đổ. Những tháng trời nằm trong phòng biệt giam dành cho tử tù dài như thế kỷ", anh bày tỏ.

Rồi anh viết thư xin lỗi gia đình vợ con và dặn dò vợ chăm sóc con cái, chuẩn bị cẩn thận cho ngày ra đi. Chỉ với hy vọng mong manh như sợi chỉ, anh nghe lời giám thị viết thư trình bày sự ngây ngô khi phạm tội của mình xin Chủ tịch nước ân xá và không tin là được chấp nhận. Nỗi vui mừng khôn xiết, nhưng anh cũng cảm thấy ê chề nhục nhã vì những gì đã gây ra cho gia đình nên quyết định không báo về cho vợ con biết.

"Gia đình cũng nghèo lắm, vợ tôi bây giờ phải một mình nuôi bốn đứa con, thôi cứ để cô ấy coi như tôi đã chết rồi, chứ đã khổ vậy biết tôi ở trên này lại tất bật kiếm tiền lên thăm nuôi. Cố gắng lao động cải tạo, tôi cũng mong đến ngày được giảm án, tha tù, được trở về với xã hội. Với tay nghề hiện có tôi tin rằng mình có thể kiếm sống, phụ giúp vợ con", anh tâm sự bằng giọng nghẹn ngào.