Theo báo cáo tổng quan về tình hình tội phạm ở Việt Nam của Tổng cục Cảnh sát cho thấy, mỗi năm ở nước ta xảy ra khoảng 82.555 vụ phạm tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội; trong đó có 57.415 vụ phạm tội về hình sự, 14.139 vụ phạm tội về kinh tế, 11.001 vụ phạm tội về ma túy...
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Yêm - Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, trong thời gian qua đã xuất hiện loại tội phạm sử dụng công nghệ cao bao gồm rất nhiều hành vi như: Lừa đảo trên mạng, trộm cắp tài sản qua hệ thống ATM, trộm cắp thông tin trên máy tính, phát tán vi rút trên mạng...
Một số đối tượng hoạt động có tính chất liên tỉnh, xuyên quốc gia để chuyển tiền, ma túy từ nước ngoài vào trong nước và ngược lại. Hoạt động móc nối, tổ chức đưa người đi nước ngoài bất hợp pháp diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Thủ đoạn của chúng là tuyển người, dùng giấy tờ giả, hộ chiếu giả lừa người đi nước ngoài dưới nhiều danh nghĩa như: Du lịch, hội thảo, triển lãm, tìm kiếm việc làm... tập trung vào các nước khu vực châu Á, Đông Nam Á hoặc các nước thuộc Liên Xô trước đây và Đông Âu. Đáng chú ý là hoạt động lừa đảo đưa phụ nữ Việt Nam sang Malaysia, Campuchia, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) bán vào các động mại dâm.
Ngoài ra, các hoạt động có dấu hiệu rửa tiền liên quan đến đối tượng người nước ngoài cũng đã xuất hiện tại Việt Nam trá hình dưới các dạng đầu tư nước ngoài cho vay tín dụng, thành lập các dự án và công ty liên doanh, quỹ từ thiện.
Một số đối tượng tự xưng là hoàng thân quốc thích, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, quan chức của các công ty dầu lửa có tài sản lớn đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cho chuyển một số tiền lớn, không rõ nguồn gốc. Điển hình như vụ một đối tượng tự xưng là tiến sĩ ở một nước châu Phi đề nghị một công ty ở Tiền Giang làm môi giới để công ty dầu lửa của quốc gia này chuyển số tiền 32 triệu USD.
Qua thư, fax, telex, e-mail vị “tiến sĩ” này đề nghị doanh nghiệp Việt Nam cho biết tên giám đốc, số tài khoản để họ chuyển vào Việt Nam số lượng tiền trên dưới danh nghĩa đầu tư, tham gia một số dự án và tỷ lệ ăn chia thường phía cần chuyển tiền hưởng 60%, phía Việt Nam cho sử dụng tài khoản hưởng 30%, phí giao dịch là 10%...
Trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, theo Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm phòng chống tội phạm có hiệu quả, nhất là đối với một số nhóm, loại tội phạm mới nổi lên là rất bức thiết.
Vấn đề quan trọng đặt ra là phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: Hoàn thiện các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bộ máy Nhà nước; hoàn thiện pháp luật về quản lý kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, chính sách xã hội; hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến các chế định về tội phạm, hình phạt cũng như đấu tranh, phòng chống tội phạm. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với mỗi người dân, tạo ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân dưới nhiều hình thức thiết thực.
Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế trong, phòng chống tội phạm, nhất là với Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol), Hiệp hội Cảnh sát các nước Đông Nam Á (Aseanapol), các nước láng giềng, khu vực Asean và các nước có quan hệ truyền thống cần phải được tăng cường hơn cùng với việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định, hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm đã ký kết với các nước, các tổ chức quốc tế, nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mới, tội phạm xuyên quốc gia, có tính quốc tế.