Nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu và nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Lương Quốc Dũng cùng ở một buồng giam của trại Thanh Xuân. Đợt đặc xá này, họ đều có tên trong danh sách đề nghị.
Chung buồng giam từ cuối năm 2007, ông Mai Văn Dâu và ông Lương Quốc Dũng "hữu duyên" trở thành tri kỷ. Trước đó, ông Dâu có thời gian ở Trại Thủ Đức (TP HCM) sau phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Cuối năm 2007, ông Dâu được chuyển ra Bắc, cải tạo tại Trại Thanh Xuân. Còn ông Lương Quốc Dũng đã thụ án ở trại này hơn 3 năm, chưa tính thời gian tạm giam tại Trại B14 (Thịnh Liệt, Thanh Trì). Ông Dâu và ông Dũng ở cùng buồng có hơn 20 người, thuộc Đội cải tạo số 25.
Từ khi rời Trại Thủ Đức ra Thanh Xuân, ông Dâu được xếp cùng phòng với ông Dũng. Sự kỳ ngộ chốn tù dần dần biến hai người thành tri kỷ, dẫu rằng tuổi đời ông Dâu hơn ông Dũng gần một giáp. Hai người xưng anh em thân mật, lấy cơm ăn cùng nhau, kể cả chăm sóc cây cảnh cũng cùng nhau chăm một cây. Mắc bệnh huyết áp nên ông Dâu ăn kiêng hơn.
Cứ 19h, sau bữa cơm, cả hai chăm chú xem thời sự (mỗi buồng giam của phạm nhân đều lắp một tivi), rồi bàn chuyện xã hội, chuyện báo chí, thỉnh thoảng vào cuối giờ chiều lên thư viện đọc báo. Hai người vẫn mang bản tính trầm lặng, tư duy kín kẽ và thủ thỉ hơn là bộc bạch ồn ào.
Ông Dâu bị bệnh cao huyết áp từ lâu, những ngày ở trại ông thường được nhân viên y tế theo dõi, cho ăn uống theo bệnh lý, nhiều hôm nằm hẳn ở trạm xá, được các y tá chăm sóc thuốc thang và thức ăn uống theo chế độ.
Những người ở cùng buồng với hai ông cũng thuộc thế hệ "cây cao bóng cả", nay vào đây với nhiều tội trạng khác nhau. Cách xếp người như thế cũng phù hợp tâm lý, đặc điểm các nhóm phạm nhân bởi dù trên khía cạnh nào, họ khó "cụng lưng" với mấy phạm nhân nghiện ma túy hay những vị thành niên đua xe, đánh nhau gây thương tích. Bởi vậy, phòng của ông Dâu, ông Dũng thinh lặng hơn, họ kín tiếng và nhã nhặn hơn thường lệ.
Trung tá Hoàng Văn Pha (cán bộ quản giáo trực tiếp buồng giam có ông Dâu, ông Dũng) nói, kín kẽ cũng là tâm lý của người cải tạo loại án như trường hợp ông Dũng. Ngày ông Dâu chưa về trại Thanh Xuân, ông Dũng đã có 3 Tết ở đây. Có lần giao thừa ông ngồi lặng lẽ tới gần sáng.
Công việc của hai ông tại trại cũng có phần nhẹ nhàng, không xách xô pha trộn bê tông, không cắt đan giày da, bao bì hay cuốc đất trồng rau mà mỗi người được giao chăm sóc cây cảnh hoặc những việc phù hợp tuổi tác. Nhiều cây cảnh trước trại uốn hình rồng, hình phượng hay kiểu tỉa ngọn xoắn ốc là tác phẩm của ông Lương Quốc Dũng, ông Mai Văn Dâu.
Trung tá Pha hơn 50 tuổi đời nhưng có tới 33 năm "tuổi trại". Anh bảo, những người có tuổi tác vào đây ban đầu thường dằn vặt về quá khứ, về những ngày giữ địa vị ngoài xã hội. Nhưng dần dần, họ cũng quen môi trường mới, ý thức bản thân mình nên ít kêu ca, phàn nàn, họ cũng rất tôn trọng quản giáo. Vì vậy, việc quản lý những người này thường không phải nhắc nhở gì nhiều, có khi chỉ cần gợi ý một chút là họ đủ hiểu, tự bảo ban nhau chấp hành tốt.
Quản trại đã lâu nhưng trung tá Pha hiếm khi thấy ông Dâu, ông Dũng ghi chép kiểu như nhật ký vào sổ sách, trừ những lúc cần ghi thư cho người thân, gia đình...
Ở trại giam, các phạm nhân, không phân biệt hệ, loại nào đều hưởng tiêu chuẩn như nhau: được bố trí một chiếu cá nhân, các chiếu đặt trong buồng giam kê theo hai hàng, mỗi hàng khoảng 12 chiếu. Giường là lớp bê tông ốp gạch có độ cao 40 cm so mặt nền, giữa có hành lang hẹp.
Mùa đông, trại phát mỗi người chiếc chăn bông cá nhân, một số quần áo ấm dùng chung mẫu theo quy định của Bộ Công an. Mấy hôm nay rét đậm, các phòng giam đóng kín cửa trong, cửa ngoài, gió lạnh không thể lọt vào. Ông Dâu, ông Dũng cũng đều thực hiện theo quy định chung như vậy.
Trung tá Phạm Văn Thân, Phó giám thị nói, chỉ chấp nhận một số loại chăn theo quy định chứ không có chuyện đưa cả đệm vào trại vì giam giữ phải đảm bảo bình đẳng, công bằng, không thể người này có đệm ấm, người kia lại không. Duy nhất nơi có đệm là "buồng hạnh phúc", dành cho chồng hoặc vợ phạm nhân đến thăm, thời gian, số lượt tuân theo quy định chung.