Quyền con người trong pháp luật hình sự

09:25, 30/01/2009

Bộ Luật Tố tụng hình sự đã ghi nhận rất rõ các nguyên tắc cơ bản để cụ thể hóa việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Quyền con người là một trong những giá trị nhân bản cao nhất mà các quốc gia trên thế giới đều đề cao và bảo vệ. Bảo vệ quyền con người cũng là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Mỗi quốc gia đều xây dựng một hệ thống pháp luật riêng cho quốc gia của mình dựa trên các điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội và các giá trị truyền thống văn hóa của quốc gia để bảo đảm các quyền con người được thực hiện một cách tốt nhất và đầy đủ nhất. Hệ thống pháp luật này phải phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án

Quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận tại Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và tiếp tục được khẳng định một cách sâu sắc, toàn diện hơn, cụ thể được ghi nhận tại các hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi năm 2001).

Trong đời sống pháp luật hiện nay, việc phát huy và bảo vệ quyền con người của các cơ quan bảo vệ pháp luật ngày một được nâng cao và củng cố hơn. Bộ Luật Tố tụng hình sự đã ghi nhận rất rõ các nguyên tắc cơ bản để cụ thể hóa việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân như tại điều 4: “Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân”; điều 5: “Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật”; điều 6: “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân”; điều 7: “Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân”; điều 8: “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân” và quan trọng nhất là tại điều 9, quy định: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Đánh người phạm tội là vi phạm pháp luật

Quyền và nghĩa vụ của một công dân khi phát hiện một người phạm tội quả tang là bắt giữ và phải giải ngay đến cơ quan công an, viện kiểm sát, UBND nơi gần nhất (điều 82 Bộ Luật Tố tụng hình sự). Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp do bất bình trước hành động phạm tội của người bị bắt giữ, người dân thường có hành vi đánh đập người phạm tội. Thái độ bất bình trước cái ác là biểu hiện tâm lý đúng đắn và bình thường của mỗi cá nhân trong xã hội. Nhưng nếu không biết kiềm chế hành vi, chúng ta có thể trở thành người vi phạm pháp luật. Cách đây không lâu, TAND TPHCM xét xử vụ bắt giữ người trái pháp luật đối với 4 bị cáo là nhân viên và bảo vệ của một công ty. Họ là những người mới được tuyển vào làm, đơn giản là muốn lập công trong ngày đầu tiên đi làm và nghĩ là đã làm đúng nhiệm vụ nên khi nghi ngờ 3 khách hàng giao vàng giả (nhưng qua giám định là vàng thật), các bị cáo đã khống chế các nạn nhân, bắt úp mặt vào tường, dán băng keo vào miệng, giữ người từ 12 giờ đến 15 giờ, khi công an phường phát hiện mới chấm dứt hành vi. Hay như vụ 4 bị cáo khác là công nhân ở một công trường xây dựng, nửa đêm nghe đồng nghiệp hô hoán vì mất trộm điện thoại di động đã cùng nhau truy bắt kẻ trộm. Vì nóng giận, họ đã đấm đá người phạm tội quả tang không may gây nên cái chết cho anh ta và phải mang tội giết người. Gần đây nhất là vụ dân quân tự vệ phường 15, quận 10 - TPHCM nhận được tin báo có nhóm học sinh tổ chức bốc thăm để đánh bạn học đã đến trường chở bốn học sinh về phường đội, dùng tay, chân, dùi cui, roi điện... để hù dọa, kết quả đã bị xử phạt gần 20 năm tù cho các tội danh giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích; vụ dân quân tự vệ xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn đánh 3 thanh niên khiến 1 người phải đi cấp cứu, 2 người bị thương chỉ vì một lý do rất nhỏ nhặt là “nẹt pô xe” trước chốt dân quân tự vệ. Và gần nhất là ngày 7-1, anh Nguyễn Hoài Nam ngụ tại phường Linh Chiểu, Thủ Đức bị dân quân tự vệ, dân phòng thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương đánh “hội đồng” làm cho anh Nam bị đa chấn thương phần mềm, dù anh không hề có lỗi gì!...

Qua các vụ án trên cũng như từ thực tiễn của đời sống, chúng ta thấy rằng mỗi công dân và đặc biệt là những cá nhân được pháp luật giao cho trọng trách bảo vệ trật tự trị an thì phải biết hành xử theo đúng pháp luật, tôn trọng quyền của công dân thì xã hội mới trật tự ổn định, dân chủ, bình đẳng; cá nhân không vi phạm pháp luật. Điều đó cũng góp phần cho sự phát triển bền vững các giá trị nhân bản của cuộc sống để tiến đến một Nhà nước pháp quyền.