Văn bản pháp luật 3 năm sau đi vào cuộc sống phải được đánh giá

15:32, 15/03/2009

Đây là một trong nhiều quy định của Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.  

Theo đó, trên cơ sở đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, kết quả đánh giá của Hội đồng tư vấn và các ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc đưa các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh vào dự thảo đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

 

Dự thảo đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp trong thời gian ít nhất là 20 ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

 

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình xây dựng nghị định trình Chính phủ.

 

Đối với việc soạn thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì soạn thảo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

 

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định có trách nhiệm đánh giá tác động sơ bộ của văn bản. Báo cáo đánh giá tác động phải nêu rõ vấn đề cần giải quyết, mục tiêu của của chính sách dự kiến và các phương án giải quyết vấn đề đó; lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết vấn đề trên cơ sở đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, hệ thống pháp luật, tác động đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khả năng tuân thủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tác động khác. Đánh giá tác động sơ bộ của văn bản là phương án tối ưu, theo cách tiết kiệm nhất để đạt được mục tiêu quản lý.

 

Đối với văn bản có thể làm phát sinh chi phí trên 15 tỷ đồng hàng năm trở lên cho nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân; tác động tiêu cực đáng kể đến các nhóm đối tượng trong xã hội; tác động tới số lượng lớn doanh nghiệp; làm tăng đáng kể giá tiêu dùng hoặc văn bản được công chúng quan tâm và có ảnh hưởng đến lợi ích chung thì phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động đầy đủ trên cơ sở phân tích định tính và định lượng các tác động. Dự thảo báo cáo này phải được đăng kèm theo các dữ liệu, cách tính chi phí, lợi ích và dự thảo văn bản trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ít nhất 30 ngày để tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

 

Sau 3 năm kể từ ngày luật, pháp lệnh, nghị định có hiệu lực pháp luật, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì soạn thảo có trách nhiệm đánh giá tác động của văn bản trong thực tiễn, đối chiếu với kết quả đánh giá trong giai đoạn soạn thảo để xác định tính hợp lý, tính khả thi của các quy định, phân tích các chi phí, lợi ích thực tế, mức độ tuân thủ văn bản của các nhóm đối tượng thi hành văn bản. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp nâng cao hiệu quả của văn bản hoặc hoàn thiện văn bản.