Lợi dụng việc được chọn làm đối tác khai thác tận thu gỗ vùng lòng hồ thủy điện Khe Diên với UBND huyện Quế Sơn (Quảng Nam), Lê Văn Ngọc với sự thông đồng, giúp sức của nhiều cán bộ trong đó có nguyên Giám đốc Sở NN&PTNN, đã tung hoành chặt phá, khai thác rừng trái phép.
Ngày 28/7, TAND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra xét xử công khai vụ án khai thác rừng trái phép tại Khe Diên, huyện Quế Sơn (nay là huyện Nông Sơn). Liên quan đến vụ án này, có đến 9 đối tượng bị khởi tố về một hoặc các tội danh "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng", "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Phải đứng trước vành móng ngựa có đến 6 bị cáo nguyên là cán bộ nhà nước, gồm Hồ Tấn Sơn, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNN; Trần Hải Hà, nguyên Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cùng các bị can nguyên là cán bộ huyện Quế Sơn: Nguyễn Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện; Trương Đình Mười, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm; Nguyễn Thành Vui, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch; Nguyễn Thanh Vân, kế toán trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch.
Bị truy tố còn có Lê Văn Ngọc (Sáu Ngọc), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Ngọc Sơn; Nguyễn Tấn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và phát triển hạ tầng số 1; Nguyễn Bảy, nhân viên Công ty cổ phần Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam.
Vụ án mở đầu với việc bắt giữ Lê Văn Ngọc vào tháng 6/2007. Đến năm 2008, tất cả các bị cáo đều được tại ngoại. Mãi đến thời điểm này, tức sau hơn 2 năm khởi tố, vụ án mới được đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu. Điều đó cho thấy vụ án còn nhiều phức tạp.
Lợi dụng việc được chọn làm đối tác khai thác tận thu gỗ vùng lòng hồ thủy điện Khe Diên với UBND huyện Quế Sơn, Lê Văn Ngọc với sự thông đồng, giúp sức của nhiều cán bộ đã tung hoành chặt phá, khai thác rừng trái phép.
Theo cáo trạng được đại diện VKS công bố tại phiên tòa từ tháng 11/2005 đến tháng 9/2006, trong quá trình khai thác tận thu gỗ, Lê Văn Ngọc đã thu gom, vận chuyển trái phép 108m3 (làm tròn số) gỗ bản từ nhóm V đến nhóm VIII; khai thác trái phép 145m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VII tại các tiểu khu 444, 446. Ngọc cũng hợp thức hóa hồ sơ để khai thác trái phép 287 cây gỗ với khối lượng 597m3 tại tiểu khu 446 bằng giấy phép số 953. Trong tháng 9/2006, Ngọc chuyển 140m3 gỗ từ lòng hồ Khe Diên ra bãi Cà Tang không có dấu búa kiểm lâm. Tổng lượng gỗ Lê Văn Ngọc khai thác, vận chuyển trái phép là 990m3 gỗ.
Số gỗ 108m3 do Ngọc thu gom, vận chuyển trái phép bị Hạt Kiểm lâm Quế Sơn thu giữ là gỗ khai thác trái phép. Biết vậy nhưng Trần Hải Hà đã phớt lờ sự chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Phan Văn Hậu, trình ông Hồ Tấn Sơn ký giấy phép số 384 để tạo điều kiện cho Ngọc bán số gỗ này. Ngoài ra, Hà còn thông đồng với Ngọc và Nguyễn Tấn Tuấn lập hồ sơ thiết kế khai thác bổ sung gỗ lòng hồ Khe Diên, chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập các thủ tục trình Hồ Tấn Sơn ký ban hành giấy phép 953 cho phép Lê Văn Ngọc tránh bị xử lý khi tự ý cải tạo hơn 3km đường rừng để triệt hạ gỗ trái phép, giúp Lê Văn Ngọc khai thác 597m3 gỗ nằm ngoài quy hoạch lòng hồ thủy điện. Với "sức ép" từ lãnh đạo huyện Quế Sơn, Trương Đình Mười chỉ đạo kiểm lâm viên Lê Thế Thành đóng búa kiểm lâm, giúp Sáu Ngọc vận chuyển, tiêu thụ 140m3 khai thác trái phép.
Nguyễn Xuân Thanh - với vai trò Phó Chủ tịch huyện đã cùng cá nhân viên dưới quyền là Nguyễn Thành Vui, Nguyễn Thanh Vân không những giúp Lê Văn Ngọc lập thủ tục hồ sơ hợp thức hóa các sai phạm mà còn tạo điều kiện cho Sáu Ngọc kê khống các chi phí khai thác, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 750 triệu đồng.
Liên quan đến vụ án còn có hơn 10 cán bộ nhà nước khác nhưng chỉ bị Cơ quan điều tra đề nghị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật hoặc được VKSND tỉnh miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, như ông Diệp Thanh Phong, nguyên Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, nay giữ chức Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh; ông Võ Thuật, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn; Nguyễn Quang Duy, cán bộ lâm nghiệp, Lê Thế Thành, kiểm lâm viên.
Đây là một vụ án kinh tế liên quan đến nhiều cán bộ nhà nước nhất từ trước đến nay ở Quảng Nam. Việc đưa vụ án ra xét xử được nhân dân địa phương theo dõi và hết sức quan tâm. Dư luận đòi hỏi phải xác định rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan khác, đồng thời phải làm rõ nguyên nhân, động cơ khiến nhiều bị cáo là cán bộ phớt lờ các quy định của Nhà nước, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, trục lợi