Phá đường dây làm bằng giả cực lớn

08:09, 17/09/2009

Với chút vốn liếng về tin học, kèm theo một số phương tiện máy in màu, máy scan, màng in lụa, khắc, dập dấu nổi… nhóm đối tượng đã móc nối và làm giả hàng trăm loại văn bằng chứng chỉ cung cấp cho những người có nhu cầu. Hoạt động liên tục từ năm 2007, đường dây này núp bóng sau vỏ bọc của một tiệm ảnh viện áo cưới.

 

Từ nguồn tin của người dân, Phòng Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện tại xóm Đông Tân (xã Thạch Tân, Thạch Hà) có một số đối tượng chuyên làm giả các loại giấy tờ của cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, ổ nhóm này chuyên làm bằng tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp, THPT và các loại chứng chỉ giả khác với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Thậm chí, các văn bằng sau khi làm giả, dán hình còn được dập thêm cả dấu nổi. Vỏ bọc để che đậy các hoạt động phạm pháp của nhóm người này là tiệm ảnh viện áo cưới mang tên Minh Sang. Sau gần hai tháng tổ chức trinh sát, cơ quan công an đã làm rõ đường dây chuyên làm giấy tờ giả trên gồm: Phan Văn Dương (SN 1979, trú xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên), Đoàn Thị Yến (SN 1964, trú xã Đức Thanh, Đức Thọ, thường trú tại KP9, phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh) và Nguyễn Cảnh Toàn (SN 1970, trú xã Sơn Lễ, Hương Sơn, thường trú tại KP2, phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh). Trong ba đối tượng này, Yến làm nghề photocopy, đánh máy vi tính tại nhà riêng, còn Dương đang là giáo viên hợp đồng dạy tin học tại Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho người tàn tật, thuộc Sở LĐ-TB và XH.

Xác định đây là một đường dây làm giấy tờ giả có quy mô lớn, sau khi thu thập đủ chứng cứ, ngày 14-5-2009, lực lượng công an đã bất ngờ kiểm tra tiệm ảnh viện áo cưới Minh Sang. Trước đầy đủ những tài liệu và phương tiện liên quan dùng để làm văn bằng giả, Phan Văn Dương đã phải khai nhận y chính là một mắt xích quan trọng trong đường dây này. Sau khi Dương bị bắt, cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập Đoàn Thị Yến và Nguyễn Cảnh Toàn để làm rõ thêm về đường dây chuyên làm giấy tờ giả nói trên.

 

Kết quả điều tra cho thấy, đường dây làm bằng giả này đã hoạt động từ cuối năm 2007, người khởi xướng chính là Nguyễn Cảnh Toàn, tiếp đến là Đoàn Thị Yến và Phan Văn Dương. Toàn khai nhận, trong một lần đến nhà Yến chơi, Toàn thử gợi ý về việc làm các loại văn bằng giả và ngay lập tức được Yến hưởng ứng. Được sự giới thiệu của một vài người, Yến tìm đến Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho người tàn tật thuộc Sở LĐ-TB và XH Hà Tĩnh tìm gặp và làm quen với Phan Văn Dương, là nhân viên hợp đồng dạy tin học ở đây. Dương nhận lời cộng tác với Yến và hai bên bắt đầu bàn bạc thống nhất cách làm giả các giấy tờ tài liệu. Để chứng minh khả năng của mình Dương đã làm mẫu cho Yến một số giấy tờ như: giấy giới thiệu, giấy ra viện... Yến về thị xã Hồng Lĩnh gặp Toàn và thông báo với Toàn đã tìm được mối làm giả tài liệu để kiếm tiền, tuy nhiên Yến không cho Dương và Toàn biết nhau. Từ đó Toàn và Yến cùng nhau đi kiếm khách có nhu cầu làm bằng, ghi nhận thông tin cá nhân, yêu cầu chụp ảnh, nhận tiền cọc. Sau khi nhận của khách hàng, Yến chuyển cho Dương. Với khả năng thành thạo về công nghệ thông tin, Dương hoàn chỉnh mặt bên trong của các văn bằng chứng chỉ thật dễ dàng. Ngoài nhiệm vụ tìm mối, Yến và Toàn còn đi khắp nơi thu thập các loại mẫu dấu, học bạ, giấy chứng nhận... để Dương lưu làm mẫu và có thể làm được cho bất cứ người nào khi có nhu cầu tùy theo từng mẫu khác nhau.

 

Sau khi có văn bằng với đầy đủ thông tin mà Dương cung cấp, Toàn nhờ Trần Thị Luận (trú khối 9, phường Bến Thủy, TP.Vinh) đóng dấu nổi lên ảnh, dán vỏ bìa bên ngoài. Từ cuối năm 2008, Toàn không nhờ Luận làm mà tự mình đi mua vỏ bìa bên ngoài văn bằng và tự làm dấu nổi để hoàn chỉnh văn bằng trước khi đưa cho khách.

 

Tại “trụ sở” của các đối tượng, cơ quan điều tra đã thu giữ 74 loại mẫu dấu và mẫu dấu tên, 54 loại giấy tờ bằng cấp chứng chỉ, hàng trăm phôi văn bằng đang làm dở, cùng nhiều loại máy móc phương tiện dùng để in sao và làm giả các loại giấy tờ. Các đối tượng khai nhận đã làm giả nhiều nhất là các loại bằng tốt nghiệp THPT và THCN. Đặc biệt, trong các trường hợp sử dụng bằng giả do đường dây này cung cấp có Đường Thị Ngọc H. (SN 1982, trú huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). H. đã dùng bằng tốt nghiệp THCN giả để vào làm viên chức hành chính ngành giáo dục tại huyện Kỳ Anh.

 

Hiện vụ việc vừa được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Hà hoàn tất hồ sơ vụ án chuyển VKSND và TAND cùng cấp để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.