Cảnh giác với hành vi tiếp thị bán hàng vượt quá quyền hạn

16:23, 20/10/2009

Thời gian gần đây, trên địa bàn Thái Nguyên xuất hiện một số đối tượng từ tỉnh khác đến gây huy động nhân dân mang các mẫu nước của gia đình  đang sử dụng đóng vào chai nhựa tập trung vào một địa điểm cố định, rồi lấy một loại hóa chất không rõ nhãn mác cho vào chai nước (trong đó có cả nước sạch của Công ty Kinh doanh nước sạch Thái Nguyên) để xét nghiệm.

 

Sau khoảng 10 phút, hầu hết các chai nước đều chuyển màu nâu hoặc đen. Những chai nước "xét nghiệm " xong, được phân làm 03 nhóm 1, 2, 3 và họ đưa ra kết luận là các mẫu nước ở nhóm 1 và nhóm 2 là không sử dụng được, còn nhóm 3 thì tạm… sử dụng được. Tiếp đó họ có bán một loại hóa chất mang tên là PACN 95 (chất keo tụ làm trong nước) với giá 25 nghìn đồng/lọ cho những người có nhu cầu cần mua để xử lý các chất trong nước sinh hoạt hàng ngày của người dân.

 

Sự việc đó diễn ra vào ngày 16/10/ 2009 tại xóm 10, xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên  làm xôn xao dư luận về vấn đề nước sạch sinh hoạt. Người làm xét nghiệm nước và trực tiếp bán hóa chất tên là Lê Thị Tám, có 1 giấy giới thiệu số 54/CNH ngày 02/6/2009 được gửi đến “ UBND các huyện, xã trong cả nước”, với  chức vụ là Cộng tác viên có số thẻ  171  được cử đến “Về việc liên hệ và triển khai sản phẩm chất keo tụ làm trong nước PACN - 95 “ do bà Trưởng phòng Quản lý tổng hợp Ngô Thị Thu Hiền  thuộc Liên hiệp khoa học sản xuất công nghệ hoá học ký. Theo giy giới thiệu này thì người cộng tác viên chỉ được phép giới thiệu về sản phẩm của mình và không có bất kỳ hành vi nào khác vượt quá chức năng quyền hạn.

 

Được biết, chị Lê Thị Tám đã liên hệ với UBND xã Quyết Thắng và đã được   Chủ tịch xã ký quyết định cho phép xét nghiệm nước trên địa bàn xã đồng thời yêu gửi thông báo đến các tổ dân phố tổ chức phối hợp cho nhân dân mang mẫu nước để xét nghiệm. Sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng  cho biết: “Đối tượng đến liên hệ có giấy giới thiệu dấu đỏ, lại đến xét nghiệm nước để đảm bảo cho nước sạch cho nhân dân và không phải trả một phần kinh phí nào cả” nên xã cũng đồng tình.

 

Khi hỏi chị Tám rằng chị có thẩm quyền, chức năng, quyền hạn hoặc trình độ chuyên môn gì để xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt không? Có giấy phép hoặc hợp đồng nào để đến Thái Nguyên xét nghiệm mẫu nước cho dân không? Chị cho biết chỉ là cộng tác viên đi tiếp thị và bán hàng thông qua giấy giới thiệu của một cơ quan chứ không có trình độ gì mà chỉ qua một số lớp tập huấn bán hàng. Khi hỏi chất hóa học đưa vào để xét nghiệm là loại gì thì chị Tám trả lời là chất PACN - 95. Thời gian qua, chị Lê Thị Tám đã làm việc “xét nghiệm" này ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh như xã Huống Thượng, một số xã thuộc huyện Phú Lương, huyện Phổ Yên, xã Phúc Hà, Tích Lương (T.P Thái Nguyên).

 

Nước sạch sinh hoạt là một loại thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Nước sạch của Công ty Kinh doanh nước sạch Thái Nguyên sản xuất và cung cấp cho nhân dân sử dụng thường xuyên được xét nghiệm chất lượng do Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh xét nghiệm thông qua 13 chỉ tiêu về hóa học, 02 chỉ tiêu vi sinh  và kết luận là đảm bảo chất lượng theo Quyết định số 1329/2002 của Bộ Y tế là đảm bảo đủ tiêu chuẩn cho ăn uống sinh hoạt. Vì thế, việc sử dụng loại hóa chất trong vòng 5 phút “xét nghiệm" được một mẫu nước phải chăng là một chiêu bài trong tiếp thị sản phẩm. 

 

Qua sự việc này, các đơn vị, cá nhân  trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xét nghiệm chất lượng nước giếng khơi hoặc các nguồn nước khác, nên đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để có đủ máy móc thiết bị cũng như cán bộ chuyên môn nghiệp vụ phân tích và đánh giá đúng chất lượng nước cần phân tích xét nghiệm. Mong rằng mọi người dân hãy cảnh giác với những hành vi tiếp thị  bán hàng vượt quá quyền hạn như đã nêu ở trên.