Tuyên truyền pháp luật bằng xét xử lưu động

10:17, 10/11/2009

Xét xử lưu động đang là hình thức tuyên truyền pháp luật hữu hiệu vì hoạt động này được diễn ra ngay nơi thường trú của bị cáo, người dân địa phương được đến xem trực tiếp và thấy những hình phạt khi phạm tội. Nhờ đó mà việc chấp hành pháp luật của công dân sẽ tốt hơn…

 

Xét xử lưu động chỉ là một phần việc rất nhỏ trong công tác chuyên môn của cơ quan toà án các cấp trong tỉnh nhưng việc làm này lại đòi hỏi nhiều công sức, chí phí vì phải di chuyển toàn bộ Hội đồng xét xử tới nơi bị cáo sinh sống. Để làm tốt công tác xét xử lưu động, các thành viên tham gia xét xử phải đầu tư nghiên cứu về vụ án, chuẩn bị những điều kiện cần thiết khi xét xử, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia tố tụng. Các vụ án được cơ quan toà án chọn xét xử lưu động thường tập trung vào một số lĩnh vực tội phạm như: ma tuý; gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ; mại dâm…Các loại án này không có nhiều tình tiết phức tạp, tang vật, nhân chứng đều cụ thể và hình phạt cũng không quá nặng nhưng đây lại là những vụ việc đang xảy ra phổ biến ở các địa phương.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh án Toà án Nhân dân T.P Thái Nguyên khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này đã cho biết: "Để giải quyết tình hình bức xúc về tội phạm ma tuý, chúng tôi chọn các vụ án về buôn bán, sử dụng trái phép chất ma tuý ở những địa bàn nóng để xét xử lưu động. Sau đó, phối hợp với chính quyền mời nhân dân ở địa phương đó tới xem xét xử". Riêng đối với huyện Đồng Hỷ, Toà án Nhân dân huyện lại chọn những vụ án liên quan đến việc chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng để xét xử lưu đông. Do vậy, khi xét xử lưu động tại cơ sở, người dân địa phương sẽ hiểu những việc làm sai trái nêu trên bị pháp luật trừng phạt ra sao. Tuy nhiên, xét xử lưu động lại gây tốn kém (chí phí cao gấp 10 lần so với xét xử tại trụ sở toà án) và mất nhiều công sức vì phải di chuyển Hội đồng xét xử, dẫn giải bị cáo, bảo vệ an toàn cho phiên toà…

 

Thấy được giá trị của việc làm này nhưng do gặp nhiều khó khăn nên số vụ án xét xử lưu động hàng năm của cơ quan Toà án Nhân dân các cấp trong tỉnh mới đạt từ 5 tới 10% trong tổng số vụ án đưa ra xét xử. Cụ thể, trong năm 2009, Toà án Nhân dân tỉnh chỉ xét xử lưu động được 9 vụ án với 9 bị cáo, Toà án Nhân dân 9 huyện, thành, thị xét xử lưu động được 144 vụ án với 185 bị cáo (so với cùng kỳ năm trước thì số vụ án xét xử lưu động của cơ quan toà án các cấp trong tỉnh năm nay đã tăng). Trong đó, chỉ có một số địa phương duy trì tỷ lệ án xét xử lưu động cao như: T.P Thái Nguyên, Đồng Hỷ, Phổ Yên. T.X Sông Công…Còn các huyện miền núi trong tỉnh do khó khăn về kinh phí và địa hình phức tạp nên số vụ án đem xét xử lưu động không nhiều.

 

Đánh giá về công tác này, đồng chí Đinh Ngọc Dũng, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh cho biết: "Công tác xét xử lưu động được lãnh đạo Toà án Nhân dân tối cao, cấp uỷ Đảng, HĐND, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện. Đội ngũ cán bộ của các cơ quan tham gia tố tụng tại phiên toàn xét xử lưu động có tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ trong quá trình làm nhiệm vụ chuyên. Song, do khó khăn về nguồn kinh phí, phương tiện, nhất là đối với toà án cấp huyện nên số vụ án xét xử lưu động hàng năm còn đạt tỷ lệ thấp…".

 

Xét xử lưu động có nhiều yếu tố tích cực như đã nêu ở trên và đây không phải là việc làm riêng của ngành Toà án mà là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Do vậy, theo chúng tôi, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan tham gia tố tụng, HĐND các cấp khi thông quan nghị quyết về công xét xử hàng năm nên chú trọng nhiều hơn tới nhiệm vụ xét xử lưu động. Đối với Hội đồng tuyên truyền phổ biến pháp luật của tỉnh cũng nên đưa xét xử lưu động là một trong chỉ tiêu phấn đấu để từ đó có cơ chế hỗ trợ về kinh phí, tạo điều kiện để các cơ quan tham gia tố tụng hoàn thành tốt nhiệm vụ này.