Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, những năm qua các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm chỉ đạo hoạt động này.
Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, công tác PBGDPL được chú trọng nhiều hơn.
Hàng loạt các văn bản chỉ đạo của đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh được ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã xây dựng kế hoạch trong từng giai đoạn cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các ngành thành viên cũng như các Hội đồng cấp huyện và triển khai thực hiện nghiêm túc. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương, thông qua nhiều kênh thông tin, bằng nhiều hình thức và phương pháp tuyên truyền, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đến với người dân. Nhiều nội dung văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của cán bộ, nhân dân cũng như thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai sâu rộng như: Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng chống ma tuý; Bộ Luật Hình sự; Bộ Luật Dân sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Xây dựng; Pháp lệnh Đê điều,…
Căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, các cấp uỷ, chính quyền đã nghiên cứu, lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp, hiệu quả. Ngoài các kênh thông tin chính thống của tỉnh như Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình, các văn bản phát hành theo quy định, các tập san, bản tin nội bộ của các ngành,… việc PBGDPL thông qua các hội nghị và các cụm loa truyền thanh ở cơ sở là hình thức được tiến hành thường xuyên, liên tục, mang lại hiệu quả cao. Thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên do Ban Tuyên giáo các cấp chỉ đạo, công tác PBGDPL được lồng ghép với các hội nghị báo cáo viên vừa tiết kiệm được chi phí, vừa phát huy tốt vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn.
Việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở đã từng bước đáp ứng nhu cầu tra cứu phục vụ công tác của cán bộ cũng như tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã có tủ sách pháp luật; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được trang bị tủ sách pháp luật với kinh phí đầu tư ban đầu từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng, số lượng đầu sách trung bình từ 70-80 cuốn; trên 90% các cơ sở giáo dục đã có tủ sách pháp luật. Công tác PBGDPL trong nhà trường cũng được đánh giá là một kênh tuyên truyền rất hiệu quả. PBGDPL còn được thực hiện thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức thi viết hoặc sân khấu hoá có tác dụng tuyên truyền rộng rãi, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như: Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi; hội thi “Cán bộ công đoàn với kiến thức pháp luật”; hội thi “Hoà giải viên giỏi”…
Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, PBGDPL góp phần tích cực nâng cao kiến thức pháp luật cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân tộc thiểu số, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động hoà giải ở cơ sở cũng đã góp phần tích cực giải quyết những vướng mắc trong nhận thức về pháp luật và những tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn tình đoàn kết xóm phố, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 3.029 tổ hoà giải với 14.434 hoà giải viên, hàng năm số vụ hoà giải có hiệu quả đạt tỷ lệ trên 75%. Thông qua công tác xét xử lưu động và công khai các vụ án của ngành Toà án góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền, PBGDPL đến người dân. Từ năm 2004 đến nay, toà án hai cấp của tỉnh đã xét xử lưu động 651 vụ án hình sự tại nơi xảy ra tội phạm, có tác dụng thiết thực trong tuyên truyền giáo dục pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ngoài các hình thức nêu trên, công tác tuyên truyền, PBGDPL còn được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú khác như: Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật; công tác thi hành án dân sự; hoạt động tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, Đoàn Luật sư; tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư; xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở và thông qua các phong trào thi đua yêu nước khác…
Có thể khẳng định PBGDPL tốt đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân ngày càng nhân thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như trong đời sống xã hội. Tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, thực thi công vụ được hạn chế, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao. Hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây đã thể hiện ý thức, trách nhiệm của người dân với cộng đồng. Khi nhận thức của người dân được nâng lên sẽ dễ dàng tạo được sự đồng thuận trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là một trong những mấu chốt quan trọng của thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.