Một lượng lớn gỗ quý hiếm khai thác trái phép được phát hiện và thu giữ; nhiều phương tiện khai thác, vận chuyển lâm sản bị tịch thu, xử lý; hầu hết các “điểm nóng” và những tuyến đường vận chuyển gỗ lậu thường xuyên của lâm tặc đã bị kiểm soát… tình trạng khai thác, tàng trữ và vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Võ Nhai đã cơ bản bị chặn đứng.
Đó là kết quả đáng ghi nhận của lực lượng chức năng sau khoảng một tháng tổ chức truy quét chống chặt phá rừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Bắt đầu ra quân từ ngày 10/12/2009, đến nay lực lượng chức năng của tỉnh và huyện Võ Nhai tổ chức chốt giữ, kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng trên địa bàn. Lực lượng truy quét khoảng 200 người được bố trí thành 7 tổ (5 tổ truy quét và 2 tổ kiểm tra, chốt chặn) tập trung vào các xã là “điểm nóng” về tình trạng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép của Võ Nhai như: Thần Sa, Thượng Nung, Sảng Mộc, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Cúc Đường, Dân Tiến. Đây là những địa bàn có vị trí địa lý rất phức tạp, nên để đạt hiệu quả, mỗi tổ được biên chế 25 người gồm đủ các thành phần công an, quân đội, kiểm lâm, dân quân. Những vị trí được lựa chọn tập trung truy quét trước tiên là những điểm khó khăn nhất, thường ở sâu trong rừng núi đá. Đó là khu vực Lũng Mai, Lân Kỳ, Lũng Chuối (Thần Sa); Lũng Luông, Lũng Cà (Thượng Nung); Tân Lập, Khuổi Chạo, Nà Nay (Sảng Mộc); Hạ Lương, Thượng Lương, Nà Lẹng (Nghinh Tường); Thâm Xe, Suối Cáo, Na Cà (Vũ Chấn); xóm Nác (Liên Minh)…
Ngay trong 10 ngày đầu tổ chức lực lượng, thông tin báo về từ các mũi truy quét cho thấy, cơ bản các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đã bị ngăn chặn. Tại thời điểm đó, có mặt tại khu vực xóm Xuyên Sơn (Thần Sa) chúng tôi được chứng kiến lực lượng chức năng tổ chức hiệp đồng, phát hiện, lập biên bản xử lý 5 vụ vi phạm, thu giữ gần 10 m3 gỗ nghiến các loại, 3 phương tiện là cưa lốc và xe máy. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành thống kê, kiểm đếm và phát hiện được khoảng 20m3 gỗ quý hiếm, hơn 250m3 gỗ thông thường đã bị chặt hạ còn cất trên rừng Thần Sa chưa vận chuyển về và gần 100m3 gỗ đã xẻ quy cách làm nhà được giấu trong dân. Đây là địa bàn do ông Nguyễn Văn Biên, Phó Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng làm tổ trưởng tổ truy quét. Theo ông Biên thì toàn bộ hồ sơ vụ việc cũng như tang vật, phương tiện vi phạm đều được chuyển kịp thời về Hạt Kiểm lâm Võ Nhai xử lý theo quy định. Tại khu vực rừng núi đá thuộc xóm Tân Lập, Khuổi Chạo, Nà Nay (Sảng Mộc), tổ truy quét do ông Đặng Xuân Trường, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đình Cả làm tổ trưởng cũng đã bố trí lực lượng kiểm tra và lập biên bản 6 vụ vi phạm với khối lượng khoảng 5m3 gỗ nghiến xẻ; tiến hành kiểm đếm phát hiện có tới 30m3 gỗ nghiến tròn và trên 10m3 gỗ thông thường bị đốn hạ trên rừng.
Tương tự, tại xã Nghinh Tường, lực lượng chức năng cũng đã xử lý 6 vụ vi phạm với khối lượng gỗ thu hồi khoảng 4m3 gỗ quý hiếm. Tổ đã chủ động lên kế hoạch tập trung lực lượng thu hồi nhanh, gọn khoảng 5m3 gỗ xẻ do lâm tặc khai thác còn đang cất giấu trong rừng. Tại những xã còn lại là: Vũ Chấn, Cúc Đường, Dân Tiến, Thượng Nung, các tổ truy quét cũng đã xử lý 15 vụ vi phạm, thu giữ trên 10m3 gỗ xẻ các loại và 11 phương tiện vận chuyển gỗ lậu. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 33 vụ vi phạm Lâm luật, thu giữ trên 20m3 gỗ xẻ nhóm II và hàng chục mét khối gỗ tròn các loại; tịch thu nhiều phương tiện khai thác, vận chuyển; tiêu hủy 6 lán trại dựng trái phép trên rừng, 6 máy nổ, máy phát điện; thống kê được trên 70 m3 gỗ xẻ quý hiếm và khoảng 360m3 gỗ tròn thông thường đã bị chặt hạ. Tổng giá trị lâm sản tịch thu ước khoảng 200 triệu đồng.
Mặc dù địa bàn rất phức tạp, đường giao thông bị chia cắt nhiều, nhưng với sự ủng hộ nhiệt tình và vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở nên chỉ sau khoảng một tháng tổ chức lực lượng, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên toàn địa bàn huyện Võ Nhai đã cơ bản bị chặn đứng. Các tổ truy quét đã xử lý 61 vụ vi phạm, thu giữ gần 40m3 gỗ xẻ các loại và gần 70m3 gỗ tròn, tịch thu 21 phương tiện chủ yếu là cưa lốc và các loại xe gắn máy. Qua tiến hành thống kê, đã phát hiện 341m3 gỗ quý hiếm, 451m3 gỗ thông thường đang cất giấu trong rừng; kiểm đếm có trên 80m3 gỗ quý hiếm và 46m3 gỗ thông thường xẻ quy cách làm nhà.
Theo khảo sát của chúng tôi thì hầu hết các địa phương đều có ý thức tham gia đầy đủ quân số cùng với lực lượng chức năng để đảm bảo khả năng tổ chức truy quét đạt hiệu quả cao nhất. Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết: Địa phương rất ủng hộ chủ trương làm mạnh tay của tỉnh và đã bố trí lực lượng dân quân phối hợp chặt chẽ với tổ truy quét. Bản thân tôi cũng thường xuyên tham gia với anh em. Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Hợp, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho rằng, mặc dù có thuận lợi về lực lượng truy quét, nhưng thực tế vẫn còn một số khó khăn như: Khó khăn trong vận chuyển tang vật, phương tiện vi phạm từ sâu trong rừng ra ngoài để xử lý; việc thống kê, thu hồi gỗ khai thác làm nhà ở của người dân còn thực hiện chưa triệt để; điều kiện ăn ở, đi lại của anh em còn khó khăn, cơ bản ở nhờ nhà dân, trường học…
Kế hoạch tổ chức truy quét đề ra lần này là sẽ kết thúc vào 10/2/2010, nhưng theo nhận định của Ban Chỉ đạo chống chặt phá rừng thì với số lượng gỗ phát hiện và thu giữ nhiều như vậy sẽ khó có thể hoàn thành như dự kiến. Bởi vậy, thời gian truy quét có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 2/2010.