Móc túi hoành hành nơi cửa Phật

19:07, 24/02/2010

Đang chen chân khấn vái trong phủ Tây Hồ chật cứng người, cô gái hoảng hốt khi phát hiện túi áo khoác để ví tiền bị kẻ gian rạch tự bao giờ. Trong khoảng 30 phút, gần chục người khác cũng mếu máo như cô vì bị móc trộm.

 

Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này luôn là nơi đến của những người đi lễ chùa đầu năm. Chiều 22/2, ngay lối cổng chính ra vào phủ, hàng nghìn người hối hả sắp lễ. Không riêng dịch vụ đổi tiền lẻ, viết sớ, bán hàng ăn... nạn móc túi và trộm tiền cúng lễ dịp này cũng vào mùa "nở rộ".

 

Vừa bước ra khỏi dòng người ùn ùn đổ vào điện chính, cô gái 17 tuổi tên Chi ngồi thụp ngay xuống hè, mếu máo. Những người xung quanh hỏi thăm, cô giơ chiếc túi sách nát bươm kể vừa bị kẻ gian rạch. 2 triệu đồng để bên trong đã bị lấy mất.

 

"Số em năm nay đi xem bói bảo bị mất của. Ngay từ đầu năm em đã đi khá nhiều đền chùa ở Hà Nội để cầu khấn, không ngờ lại bị mất ở đây dễ dàng đến thế", cô gái với mái tóc xoăn không nguôi nước mắt nói.

 

Chi cho biết dù đã cẩn thận đeo túi trước người để tránh trộm "hai ngón", nhưng cô cũng không thoát được "hạn" vì lượng người đi lễ quá đông, lại chen lấn khi cúng.

 

Cảnh giác "giữ" túi như Chi nhưng chị Hòa cũng tái xanh mặt khi phát hiện túi xách màu đen bị kẻ gian mở, móc chiếc ví da nhỏ bên trong có gần 2 triệu đồng, đăng ký xe máy, hai thẻ ATM.... Hòa cho biết, khi phát hiện có người lạ sờ vào túi cô đã kịp phản ứng nhưng không ngờ lại bị mất đồ nhanh đến thế.

 

"Tôi nghi thủ phạm là một phụ nữ trung niên có mái tóc uốn quăn, nhuộm nâu đứng cạnh trong lúc khấn vái. Chỉ tiếc không kịp trở tay giữ bà ta lại vì lúc đó xung quanh chật cứng người", cô buồn bã nói.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng chục ngày qua, trong cuốn sổ trình báo sự việc tại Ban quản lý phủ Tây Hồ đã ghi tên gần một trăm nạn nhân. Tuy nhiên, một cán bộ làm việc tại đây cho biết, con số này chưa phản ánh đúng thực tế bởi còn có khá nhiều người bị mất cắp nhưng không trình báo.

 

Vị này kể bọn trộm thường chỉ lấy tiền, giấy tờ cũng những thứ khác trong ví chúng bỏ lại. “Sau mỗi ngày, chúng tôi tìm được khá nhiều ví bị vứt ở nhà vệ sinh, trong các khe cửa…”, ông cho biết.

 

Để chứng minh, ông mở chiếc ví vừa nhặt được trước đó ít phút ra. Trong đó có nhiều giấy tờ mang tên Nguyễn Thị Ngọc Bích, 28 tuổi, trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đặc biệt, một bao lì xí có 4 triệu đồng ở ngăn trong cùng vẫn còn nguyên.

 

"Có lẽ kẻ xấu không có thời gian kiểm tra tất cả ví nên khi móc hết tiền đã vội quẳng đi", vị này nhận định.

 

Theo một người làm công tác bảo vệ ở phủ, tại đây đã lắp đặt camera và luôn có người đứng trực trước màn hình để theo dõi. Tuy nhiên, chiếc máy chỉ ghi được ở một góc nhất định. Những tên trộm luôn né được kẽ hở này để ra tay móc, rạch túi khách tới thắp hương.

 

“Hàng ngày, chúng tôi vẫn khuyến cáo khách hành hương qua loa phóng thanh về việc đề phòng kẻ gian trộm cắp tài sản ..." ông nói.

 

Lường trước nạn mất cắp hoành hành vào dịp Tết, Ban quản lý đã phối hợp với công an tăng cường lực lượng truy quét. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bắt được những kẻ hành nghề "hai ngón" mà chỉ tóm được hơn chục người lấy trộm tiền công đức.

 

Không riêng phủ Tây Hồ, tại tổ đình Phúc Khánh, chùa Hương... cũng xảy ra nạn móc trộm đồ của người đi lễ.

 

Ở tổ đình Phúc Khánh, gần chục vụ móc túi đã xảy ra vào ngày mùng 1 và 2 Tết. Theo một vị trong Ban tiếp khách, đây là thời điểm lượng người đến làm lễ đầu xuân đông nhất. So với năm ngoái, con số này đã giảm khá nhiều.

 

Cũng như ở Phủ Tây Hồ, kẻ gian sau khi lấy được ví thường chỉ quan tâm đến tiền. Và khi quét dọn, nhà chùa phát hiện khá nhiều chiếc ví còn nguyên giấy tờ tùy thân vứt lăn lóc ở khu vực nhà vệ sinh hay ở những chỗ khuất.

 

Trong những ngày tới khi nhà chùa tổ chức lễ cầu an (27/2) và dâng sao giải hạn (28/2), nhiều người lo ngại nạn trộm cắp sẽ còn "ác liệt" hơn. "Sẽ có hàng nghìn người đổ về chùa, hay tập trung ở ngoài cổng để khấn vọng. An ninh còn phức tạp...", một vị ở Ban tiếp khách nhận định.

 

Bà cho biết, hiện nhà chùa cũng phối hợp với chính quyền để huy động một lượng lớn cảnh sát làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trong những ngày đó.

 

Ngoài chùa trong nội thành, hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất ở Hà Nội.

 

Chiều 22/2, hàng trăm cảnh sát được huy động đến khu vực chùa Hương đã đưa ra nhiều phương án để đối phó với những băng nhóm tội phạm hoạt động trong dịp lễ hội này.