Sáng 29/3, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử 35 bị cáo trong vụ án “chặt trộm gỗ sữa giữa lòng Hà Nội” về các tội danh: trộm cắp tài sản và chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tổng số vụ chúng thực hiện là 17 và thiệt hại là gần 400 triệu đồng.
Tại phiên xử, thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân, chủ toạ phiên tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đại diện viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa công bố cáo trạng truy tố các bị cáo.
Cơ quan chức năng đã làm rõ ổ nhóm chuyên chặt trộm và tiêu thụ gỗ sưa gồm 35 cá nhân do Nguyễn Xuân Tuấn, Đào Văn Đằng cầm đầu. Chúng thừa nhận rằng, mặc dù biết gỗ sưa là loại cây quý hiếm nhưng do cần tiền tiêu nên cả nhóm đã bàn nhau đi mua sắm cưa tay, cưa máy, dây thừng rồi lợi dụng đêm tối đi tìm cây gỗ sưa trên các tuyến phố để chặt hoặc trộm cắp đồ gia dụng làm bằng gỗ sưa có giá trị cao của các nhà dân đem bán. Hành vi phạm tội của các nghi can được thực hiện từ năm 2007.
Cáo trạng nêu rõ, hai bị cáo Nguyễn Xuân Tuấn (SN 1986) và Đào Văn Đằng (SN 1971), đều trú tại xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội cùng đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về 17 vụ chặt trộm cây gỗ sưa và trộm cắp cây cảnh, với giá trị giám định là 312,150 triệu đồng.
Cụ thể, vào ngày 15/10/2007, Đào Văn Đằng, Đào Văn Dũng, Đào Hữu Khiêm, Đỗ Vũ, Đào Văn Quyết bàn nhau đi cưa trộm cây sưa 100 năm tuổi trong khuôn viên chùa Trầm, thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Ngày 19/2/2008, nhóm này đến đền thờ Hai Bà Trưng thuộc địa bàn xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cưa trộm một cây sưa trong khuôn viên đền nhưng bị phát hiện nên bỏ trốn. Sau khi nhà đền thu dọn gỗ sưa bị triệt hạ cất vào kho, cả nhóm quay lại, dùng kìm cộng lực cắt khóa khênh trộm thân gỗ sưa trên đi bán.
Cả hai vụ, nhóm này đều bán cho Nguyễn Viết Thìn (SN 1964, cùng trú tại xã Cao Viên), sau đó Thìn đem bán cho một đôi vợ chồng người Trung Quốc. Tương tự, vụ trộm cây sưa trong Vườn ươm của Xí nghiệp sản xuất cây xanh, cây ho, cây cảnh thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội do Nguyễn Xuân Tuấn cầm đầu, cả nhóm đã bán tang vật cho Tạ Đình Khoát (cùng ở xã Cao Viên), sau đó Khoát bán cho một người Trung Quốc khác.
Trong các vụ trộm gỗ sưa tại C16-C17 Tập thể Thanh Xuân Bắc vào ngày 22/8/2009 và khu vực Khuôn viên Đài liệt sĩ phường Mai Dịch vào ngày 3/9/2009, cả nhóm đã bán tang vật cho Vũ Văn Đồng (trú tại phố Nghè, Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh). Bị can Đồng khai nhận đã tạc thành tượng, sau đó bán cho một người Trung Quốc...
Ngoài các vụ việc nêu trên, cáo trạng còn thể hiện hành vi trộm cắp tài sản của ổ nhóm rất bài bản như việc dùng dây thép buộc cửa nhà dân khu vực D2 Tập thể Kim Giang, ngõ 7 phố Hoàng Đạo Thành để trộm cắp, tránh bị truy đuổi hay việc sử dụng dao làm hung khí đi trộm cắp tại vụ trộm ở sân nhà K16 – K17 khu tập thể Bách Khoa.
Đáng chú ý hơn, một số bị cáo còn khai nhận đã đột nhập vào trụ sở HTX nông nghiệp thôn Tiền Lệ, huyện Hoài Đức, khênh trộm 1 tủ bằng gỗ sưa đem bán vào ngày 19/11/2007; vụ trộm 2 thanh vì kèo tại chùa Ba Thá, huyện Mỹ Đức vào tháng 5/2008...
Ngoài ra, các bị cáo và cá nhân liên quan còn khai nhận thực hiện 14 vụ trộm cắp gỗ sưa khác trên địa bàn Hà Nội và nhiều vụ trộm cắp tài sản thuộc các tỉnh lân cận nên đã tách vụ án, chuyển cho cơ quan điều tra các địa phương xử lý theo thẩm quyền.
Điểm đặc biệt tại những vụ ăn trộm này, các bị cáo đều khai nhận, sau khi “chôm” được gỗ quý, nhóm bị cáo này chủ yếu bán cho người Trung Quốc.
Phiên toà xét xử vẫn đang tiếp tục. Chúng tôi sẽ cập nhật sớm nhất những diễn biến tiếp theo tại phiên toà.