Cần xử các vụ cản trở, hành hung nhà báo theo điều luật về chống người thi hành công vụ

14:00, 27/04/2010

Đó là kiến nghị của tất cả các ý kiến trình bày tại hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp”, do Báo điện tử congluan.vn thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 26/4, tại Hà Nội.

 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông, đại diện một số cơ quan báo chí và giới luật sư.

 

Báo cáo của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: trong 2 năm gần đây, cả nước đã xảy ra 18 vụ cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp. Trong số này chỉ có 4 vụ được khởi tố, 1 vụ có khởi tố và có tin xét xử. Đặc biệt, từ đầu năm 2010 tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp tăng cao, diễn biến phức tạp.

 

Nghiêm trọng đặc biệt là vụ PV Trần Thế Dũng, báo Người lao động bị nhóm côn đồ tấn công tập thể đến ngất lịm rồi ngang nhiên thách thức, chở thẳng đến đồn công an khi đang thực hiện phóng sự về tình trạng buôn lậu qua biên giới tại Kéo Kham – Lạng Sơn dịp giáp Tết Canh Dần.

 

Các vụ trên đều có biểu hiện là đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo đang tác nghiệp, thể hiện sự thách thức kỷ cương phép nước, thách thức ý chí chống tiêu cực của nhà báo.

 

Đáng tiếc là các vụ khởi tố trên đều theo Điều 104 Luật Hình sự (Cố ý gây thương tích) mà chưa có vụ nào khởi tố theo điều 257 (Chống người thi hành công vụ).

 

Sau khi phân tích tính chất và cách xử lý các vụ việc trên, các ý kiến tại hội thảo đều bày tỏ bất bình và đi đến kiến nghị: phải sớm hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý để xử lý một cách cơ bản các vụ cản trở, hành hung nhà báo, coi đây không chỉ là tội cố ý gây thương tích cho một công dân bình thường mà là hành động chống người thi hành công vụ.

 

Các nhà báo hoạt động một cách công khai chính là đang thực thi công vụ với nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.

 

Luật sư Trần Đình Triển kiến nghị: Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thựa hiện Luật Công chức, trong đó nêu rõ "nhà báo tác nghiệp là thực hiện công vụ".

 

Nhà báo Phan Lợi, Phó TKTS, Trưởng VPĐD Hà Nội, Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh kiến nghị: Các cơ quan nội chính như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Viện KSND Tối cao… cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực thi điều 257 Luật Hình sự, trong đó quy định "cản trở, hành hung nhà báo đang hoạt động công khai là chống người thi hành công vụ".

 

Từ góc độ một phóng viên từng bị lâm tặc hành hung sau khi đưa thông tin, hình ảnh về đoàn xe chở gỗ lậu hoạt động 2 năm trước, đến nay vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, ông Hoàng Dưỡng, nguyên Trưởng Đài phát thanh huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk kiến nghị: Hội Nhà báo Việt Nam nên có một Quỹ hỗ trợ tư pháp cho các nhà báo bị cản trở, hành hung. Quỹ này có thể mời luật sư tư vấn và tham gia phiên xét xử để nhà báo chống tiêu cực không cảm thấy cô độc, đồng thời Hội đồng xét xử cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra phán xét. Suy cho cùng, chỉ có xử nghiêm minh bằng pháp luật mới có thể răn đe và ngăn chặn tình trạng cản trở, hành hung nhà báo một cách hiệu quả.