Thiếu úy cảnh sát tiết lộ chuyện từ chối nhận 120.000 USD

08:21, 15/04/2010

"Khi hai người bị bắt ngỏ ý tặng lại 120.000 USD cùng 50 triệu đồng, chúng tôi ai cũng giật mình vì số tiền quá lớn. Lúc đó, nếu tôi có nhận thì cũng chẳng ai trông thấy...", thiếu úy Ngọc Phương kể.

 

Thiếu úy Nguyễn Ngọc Phương (Trung đoàn cảnh sát cơ động) là một trong 10 gương mặt công an tiêu biểu vừa được Công an Hà Nội vinh danh. Anh là thành viên của tổ tuần tra cảnh sát cơ động 4 người mà khoản tiền khổng lồ 120.000 USD và 50 triệu đồng của những kẻ buôn bán ma túy đã không thể "bắn gục".

 

Tại buổi lễ tuyên dương cuối tháng 3, anh Phương cười bảo: "Ai ở trường hợp của tôi chắc cũng hành động như vậy thôi. Từ vụ việc này, cơ quan điều tra đã khui ra đường dây ma túy lớn khiến anh em vui lắm...".

 

Kể lại câu chuyện xảy ra 2 năm trước, thiếu úy với dáng to cao cho biết, 3h sáng 30/10/2008, trời mưa lất phất, đoạn đường ở khu vực chân cầu vượt Thanh Trì không có một ánh đèn, tổ cảnh sát cơ động phát hiện 2 thanh niên đi xe Win ôm balô với dáng vẻ khả nghi. Kiểm tra hành chính, họ không xuất trình được giấy tờ tùy thân, khai tên là Tạ Xuân Tiến (45 tuổi) ở Hưng Yên và Chàng A Dính (18 tuổi) ở Sơn La.

 

Trong balô của họ, cảnh sát phát hiện có lựu đạn mỏ vịt, bình xịt hơi cay, kiếm, 2 điện thoại di động và hàng tập tiền USD. Thiếu úy Phương bảo: "Ai cũng giật mình khi chủ nhân cho biết số tiền đó ước chừng khoảng 120.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng)".

 

Anh Phương cho biết, lúc đầu hai thanh niên cho rằng mang tiền đi mua ôtô, còn số vũ khí là để phòng thân. Nhưng sau khi các anh tra hỏi, họ thừa nhận vừa mang hàng chục bánh heroin đi bán nên có số tiền trên.

 

Tiến và Dính "gạ gẫm" sẽ tặng lại toàn bộ số tiền cùng 50 triệu đồng cho tổ công tác nếu "cho qua" vụ này. Tuy nhiên, đề nghị hối lộ này của họ đã bị từ chối và lập biên bản.

 

"Trẻ tuổi nhưng Dính khá bình tĩnh. Anh ta tiến lại tôi nói chuyện một cách khá thoải mái như bạn bè lâu ngày gặp nhau, không có biểu hiện sợ sệt...", anh Phương nhớ lại.

 

Thiếu úy Phương kể, 3 năm ra đường tuần tra anh đã gặp khá nhiều gợi ý đưa hối lộ và đều "vượt qua cám dỗ", cương quyết lập biên bản. Có lần anh cùng đồng đội bắt giữ vụ vận chuyển 3 bánh heroin. Những kẻ buôn ma túy ngỏ ý "các anh cần bao nhiêu tiền sẽ có đủ, miễn được tha". Song tiền dù nhiều đến mấy cũng không mua chuộc được tốp cảnh sát cơ động này.

 

Những lần như thế, anh đều được lãnh đạo đội khen khen thưởng và tuyên dương. Anh trở thành một trong những gương được nhân rộng trong phong trào học tập toàn đơn vị.

 

Phương bảo, may mắn nhất của cuộc đời anh là lấy được vợ hiểu và thông cảm công việc của chồng. Chị Tuyền, nữ y tá ở Bệnh viện Việt Đức, gần chục năm qua phải chịu cuộc sống thường xuyên vắng bóng chồng để nuôi dạy 2 con.

 

"Nhiều lúc thương vợ nhưng chẳng biết tính sao vì xác định theo ngành phải luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Cùng làm ở Hà Nội nhưng có khi cả tuần hai vợ chồng chẳng giáp mặt nhau. Lúc mình được nghỉ thì cô ấy trực và ngược lại", anh thổ lộ.

 

Anh cho biết, chuyện hối lộ cảnh sát không có gì lạ nên khi từ chối 120.000 USD anh cũng không có ý định kể lại cho vợ nghe. "Tuy nhiên, một ngày sau khi sự việc trên báo chí, nhiều người công tác trong bệnh viện đã biết đến chồng y tá Tuyền là ai", thiếu úy Phương dí dỏm cười.