Giữ nguyên truy tố vụ rút ruột tượng đài Điện Biên Phủ

07:59, 29/06/2010

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ “tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ”, chuyển toàn bộ hồ sơ, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục truy tố các bị can.

 

Trước đó, ngày 31/3, TAND tỉnh Điện Biên đã hoãn xử vụ án này để điều tra lại một số chứng cứ quan trọng, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Đến ngày 28/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ “tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ”, chuyển toàn bộ hồ sơ, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục truy tố các bị can.

 

Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố các bị can như bản kết luận điều tra trước đây.

 

Kết luận điều tra bổ sung khẳng định: Lê Huyên (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội) đã nhận số tiền 65 triệu đồng là tiền của công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Ông Lê Huyên nhận số tiền trên từ ông Nguyễn Đức Sứng (nguyên chủ nhiệm khoa Tạo dáng – Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), có giấy viết tay và ký xác nhận của ông Lê Huyên. Do đó, việc ông Huyên khai trước tòa nhận số tiền trên là tiền của các công trình khác là không đúng.

 

Về việc, trong hồ sơ vụ án tồn tại hai bản kết luận giám định khác nhau về chất lượng đồng đúc tượng: Ngày 9/6, Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) có văn bản số 455 khắng định: kết luận giám định số 1932 ngày 29/8/2007 của Viện Khoa học hình sự là kết luận được rút ra từ những dữ liệu đầy đủ bằng các phương pháp khác nhau xác định đồng đúc tượng là đồng hợp kim, chứ không phải nguyên chất.

 

Theo biên bản tại phiên tòa, ý kiến của giám định viên cũng khắng định bản kết luận giám định số 1932 là chính xác. Vì vậy, không có mâu thuẫn trong kết luận giám định lại.

 

Sau khi khánh thành công trình “Tượng đài chiến thắng Điện Biên” đã xảy ra sự cố, sụt đổ kè, phần tượng đài hoen rỉ, xuống cấp nghiêm trọng.

 

Qua điều tra, xác định quá trình thi công có sai phạm trong việc chấp hành các quy định của nhà nước về đấu thầu và đầu tư xây dựng cơ bản, về theo dõi giám sát thi công của Ban quản lý (BQL) dự án và Công ty Mỹ thuật Trung ương đã dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng; Phần kè đá chân tượng đài, sân hành lễ thi công không có hồ sơ thiết kế được duyệt, thời gian thi công gấp, thi công không đúng thiết kế đã xảy ra hậu quả công trình bị đổ vỡ, sụt lún, theo kết luận giám định về tài chính thì gây thiệt hại trên 2,8 tỷ đồng.

 

Phần mỹ thuật, tượng đồng được đúc không đảm bảo khối lượng, hàm lượng đồng, việc giám sát thi công đúc tượng đồng không được thực hiện đầy đủ, không giám sát xác định được số lượng đồng nguyên liệu và chất lượng đồng đưa vào nấu, đúc tượng, không xác định được trọng lượng, hàm lượng đồng của tượng đồng đã đúc…

 

Tổng cộng các bị can đã làm làm thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Lê Huyên, Nguyễn Đức Sứng (nguyên Chủ nhiệm khoa tạo dáng, trường Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) không thực hiện việc giám sát thi công nhưng đã giúp Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn (nguyên Phó giám đốc BQL dự án di tích Điện Biên Phủ), Trần Quốc Hưng (nguyên Kế toán BQL dự án), Nguyễn Văn Chính (Cán bộ BQL dự án) lập khống các hồ sơ để chiếm hưởng tiền tư vấn giám sát 242 triệu đồng.

 

Bị can Võ Thị Hồng (nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương) đã tham gia việc lập hồ sơ khống để hoàn tất hồ sơ thanh toán theo yêu cầu của BQL dự án nhưng không nhằm mục địch chiếm hưởng và bản thân không được chia tiền nên Viện KSND Tối cao đã chuyển tội danh từ tội “Tham ô tài sản” sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

Viện KSND Tối cao sau khi xem xét hồ sơ vụ án cũng đã đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiêm hình sự cho ông Phạm Hoàng Be, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ) và ông Nguyễn Trung Kiên (cán bộ giám sát BQL dự án).