Tổng lực đẩy lùi tội phạm

15:09, 21/07/2010

Một số thủ đoạn bọn tội phạm thường sử dụng: dụ dỗ, lừa gạt một số phụ nữ, trẻ em để bán vào các nhà hàng, các động mại dâm thuộc vùng giáp ranh theo tuyến quốc lộ, các bãi tắm, khu du lịch trong nước để bóc lột tình dục.  

 

Nạn lừa đảo mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em ở nước ta đang diễn biến phức tạp... Nhiều phụ nữ, trẻ em đã trở thành nạn nhân của các động mại dâm, hôn nhân cưỡng ép và lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.

 

Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

 

Sáu tháng đầu năm 2010, riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện 23 đường dây, với 67 đối tượng mua bán người; thống kê đưa vào diện quản lý trên 200 tụ điểm nhà hàng, khách sạn, quán massage… ở khu vực biên giới có biểu hiện hoạt động mại dâm, liên quan đến mua bán người. Lập hồ sơ theo dõi trên 1.000 trường hợp phụ nữ Việt Nam tại khu vực biên giới lấy chồng người Trung Quốc, thường xuyên về thăm thân, buôn bán, nghi có dấu hiệu móc nối lừa người ra nước ngoài bán.

 

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Công an, Biên phòng đã khám phá 145 vụ, bắt 256 đối tượng, trong đó: lực lượng Công an khám phá 94 vụ, bắt 187 đối tượng. Riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, Bộ Công an điều tra, khám phá 06 chuyên án, bắt 15 đối tượng, ra quyết định truy nã 05 đối tượng. Lực lượng Biên phòng xác lập, đấu tranh 18 chuyên án, 16 kế hoạch nghiệp vụ, triệt phá 29 đường dây; phát hiện, khám phá 51 vụ, bắt 69 đối tượng lừa mua bán người qua biên giới. Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 56 vụ, với 100 bị can về tội mua bán người; 21 vụ, 43 đối tượng về tội mua bán trẻ em. Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 97 vụ, với 180 bị cáo phạm tội mua bán người để xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đã xét xử 77 vụ, với 143 bị cáo. Trong đó, 11 bị cáo phạt tù từ 15 năm đến 20 năm, 49 bị cáo phạt tù từ 7 năm đến dưới 15 năm, 83 bị cáo phạt tù dưới 07 năm. Địa phương đấu tranh đạt kết quả khá là: Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tây Ninh, Lạng Sơn…

 

Ngoài một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mà bọn tội phạm thường sử dụng, nổi lên một số thủ đoạn như: dụ dỗ, lừa gạt một số phụ nữ, trẻ em để bán vào các nhà hàng, các động mại dâm thuộc vùng giáp ranh theo tuyến quốc lộ, các bãi tắm, khu du lịch trong nước để bóc lột tình dục, như: Quảng Ninh 2 vụ, Ninh Bình, Nghệ An, Sơn La, Thái Bình, Quảng Trị… mỗi địa phương 1 vụ.

 

Tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, môi giới hôn nhân cho người nước ngoài diễn ra phức tạp. Nhiều trẻ em Việt Nam bị đưa trái phép sang Thái Lan ép bán hàng rong cho khách du lịch, thậm chí bị bắt phải móc túi hoặc lừa đảo khách du lịch… Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ Việt Nam tìm cách ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau, rất nhiều người trong số đó đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

 

Tổng lực kìm chế gia tăng tội phạm

 

Trên cơ sở đánh giá những mặt hạn chế, Ban Chỉ đạo 130/CP đã đưa một số công tác trọng tâm vào chương trình hành động trong thời gian tới. Cụ thể, khẩn trương xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2011- 2015, theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Bộ Tư pháp chuẩn bị thật tốt Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Yêu cầu Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng Công an, Biên phòng địa phương phối hợp chặt chẽ với Công an, Biên phòng Trung Quốc, Lào, Campuchia mở chiến dịch tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trong năm nay.

 

Để chiến dịch có hiệu quả, cần làm thật tốt công tác chuẩn bị, cũng như trao đổi, chia sẻ thông tin và đề nghị bạn phối hợp ngay từ đầu chiến dịch. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông tại cộng đồng, trọng tâm là 104 xã thuộc 27 tỉnh, thành trọng điểm, cần sơ kết việc này ở một số xã, huyện để rút kinh nghiệm; lồng ghép truyền thông với chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhằm không ngừng nâng cao đời sống dân sinh và thay đổi nhận thức cho các đối tượng có nguy cơ. Phối hợp chặt chẽ và đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung rà soát những người bị buôn bán trở về; khẩn trương sửa đổi, bổ sung Quyết định 17/TTg và 3 thông tư có liên quan để kịp thời hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương thực hiện công tác xác minh, tiếp nhận hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán trở về, tạo điều kiện cho họ sớm ổn định cuộc sống.

 

Từ tháng 8 đến tháng 10/2010, Ban Chỉ đạo COMMIT (Kế hoạch tiểu vùng sông Mekong về phòng chống buôn bán người) tổ chức rà soát các hoạt động đề ra trong Tuyên bố chung 6 nước ký tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 12/2007, giai đoạn 2007- 2010 và dự kiến kế hoạch hoạt động giai đoạn 2011- 2013 phục vụ Hội nghị Bộ trưởng vào cuối tháng 12 năm nay tại Thái Lan. Trình Chính phủ phê duyệt nội dung và cho phép ký kết Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào (dự kiến cuối tháng 8, hoặc đầu tháng 9/2010). Tiếp tục đàm phán Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, phấn đấu đến đầu năm 2011 báo cáo Chính phủ cho phép đàm phán ký kết…./