Blogger phải chịu trách nhiệm về thông tin trên web cá nhân.

11:54, 01/11/2010

Sự kiện Lê Nguyễn Hương Trà – blogger ‘Cô gái đồ long’ vừa bị bắt để điều tra về thông tin liên quan đến bài đăng trên entry của cô đã khiến nhiều người băn khoăn về tính trách nhiệm trước những thông tin công khai trên web cá nhân.

 

Đây không phải là lần đầu blogger “Cô gái đồ long” bị “vạ miệng” bởi những bài viết trên trang nhật ký của mình. Năm 2007, Hương Trà viết trên blog về live show “Mưa” của ca sĩ Phương Thanh với những bình luận gây bức xúc cho ca sĩ đến nỗi Phương Thanh phải khởi kiện ra tòa vì cho rằng blogger này đã xúc phạm danh dự, uy tín của mình.

 

Vụ án trên đã được TAND quận Tân Bình (TP HCM) xử cho Hương Trà thắng kiện với lý do pháp luật thời điểm đó chưa có quy định về xử lý các trường hợp gây hại từ blog. Tiếp đó, cấp phúc thẩm đã hủy bản án trên vì vi phạm tố tụng. Khi vụ án quay trở lại những bước đầu tiên, tại cuộc hòa giải, ca sĩ Phương Thanh đã chấp nhận lời xin lỗi của Hương Trà. Vụ kiện được khép lại.

 

Đến ngày 23/10, Hương Trà bị Cục CSĐT tội phạm về TTXH tại TP HCM bắt giữ về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258 BLHS) cũng vì một bài viết trên blog của mình.

 

Trao đổi với VnExpress.net, thiếu tướng Cao Minh Nhạn – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tại TP HCM cho biết, việc bắt giữ Lê Nguyễn Hương Trà là hoàn toàn khách quan, đúng pháp luật. Hiện cơ quan này đang tiếp tục tiến hành những bước tố tụng tiếp theo của vụ án.

 

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Ban tuyên truyền Hội Luật gia TP HCM, blog là trang nhật ký cá nhân nhưng những gì đăng tải trên đó cũng phải đảm bảo nằm trong khuôn khổ pháp luật. Bài viết của Hương Trà liên quan đến ca sĩ Phương Thanh, hay những nhân vật trong entry mà cơ quan chức năng đề cập đến chính là những thông tin về đời tư của họ. Việc khai thác đời tư của người khác, lại đăng tải thông tin trên trang blog cá nhân cần thiết phải tuân thủ quy định của Bộ luật dân sự (về quyền nhân thân, bí mật đời tư).

 

Cũng theo luật sư Hậu, khi đăng công khai trên mạng, blogger phải chịu trách nhiệm về những nội dung trên trang nhật ký cá nhân của mình. Nếu blogger thông tin những nội dung sai sự thật, vu khống hay xúc phạm, ảnh hưởng thiệt hại đến người khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà blogger có thể bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường (điều 24 Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 7/2008/TT-BTTTT của Bộ thông tin truyền thông).

 

Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Văn phòng luật sư Thế Nguyễn & Cộng sự) cho biết, Điều 258 BLHS đã được sửa đổi bổ sung quy định: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng… và các quyền tự dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.

 

So sánh với vụ kiện của ca sĩ Phương Thanh, luật sư Trạch cho rằng, về tính chất, hai việc này hoàn toàn ở hai mức độ khác nhau. Việc Hương Trà đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm ca sĩ Phương Thanh chỉ mang tính cá nhân riêng lẻ mà hậu quả chỉ là xúc phạm đến uy tín, danh dự của một người. Thiệt hại mà cá nhân phải gánh chịu thường thấp hơn thiệt hại của một tổ chức.

 

Còn trong lần vi phạm sau, luật sư Trạch cho rằng, bằng hành vi sử dụng blog của mình, Hương Trà đã "cố ý nói sai sự thật" về đời tư của vị cán bộ cao cấp và cả gia đình của ông, gây ảnh hưởng đến cả uy tín, danh dự uy tín của cả tập thể, tổ chức nơi vị cán bộ này công tác thì rõ ràng là nghiêm trọng hơn.

 

Cũng theo luật sư Trạch, tự do ngôn luận là quyền do Hiến pháp quy định. Quyền này cho phép mọi công dân được phát biểu, bày tỏ ý kiến về những vấn đề của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… một cách công khai, rộng rãi nhưng không vì thế mà lợi dụng việc phát biểu, bày tỏ ý kiến để thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

“Theo quan điểm cá nhân tôi, trong trường hợp này các cơ quan bảo vệ pháp luật bắt giữ bà Hương Trà để điều tra về hành vi trên là hoàn toàn có cơ sở. Qua việc này, một lời khuyên dành cho các blogger là luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh sử dụng blog một cách tùy tiện, không nên lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”, ông Trạch nói.

 

Còn theo một thẩm phán của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM, hiện nay những vụ án liên quan đến blogger rất hiếm vì quy định về blog mới được ban hành và người ta khó biết được chủ blog đó là ai. Blog không phải là bài báo nên cũng khó nói blogger phải chịu trách nhiệm như một nhà báo. Nhưng bogger phải chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình như một công dân trước pháp luật, nhất là khi phát ngôn đó được đăng tải, thông tin trên môi trường Internet có nhiều người theo dõi. Trách nhiệm của bogger là trách nhiệm với phát ngôn của mình. Nếu bài viết cài ở chế độ “riêng tư”, chỉ một mình blogger có thể đọc được thì blogger có thể thoải mái thể hiện quan điểm của mình. Tuy nhiên, bài viết đăng trên blog mà người khác có thể đọc được thì blogger phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình đưa ra.

 

Nếu viết sai sự thật, xúc phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức thì người đưa thông tin đó hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Cá nhân, tổ chức bị xúc phạm, vu khống trên blog có quyền yêu cầu blogger chấm dứt việc xúc phạm, khởi kiện buộc blogger xin lỗi, bồi thường thiệt hại nếu có. Nếu những thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng, vu khống làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì cá nhân, tổ chức đó có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng khởi tố hình sự blogger đã xúc phạm, vu khống.

 

Vị thẩm phán cũng cho hay, đối với những thông tin không chính xác, có nội dung xuyên tạc, xúc phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan, tổ chức hoặc công dân đã có dấu hiệu của tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể thu thập chứng cứ để khởi tố hình sự để xử lý blogger có vi phạm mà không nhất thiết phải có đơn yêu cầu, tố cáo của nạn nhân.