Tội phạm tham nhũng toàn người giàu, có trình độ

08:54, 06/11/2010

Người phạm tội tham nhũng không hề khó khăn về kinh tế mà còn có mức sống cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của xã hội. Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, hơn một nửa có trình độ từ đại học trở lên.

 

Đó là đánh giá của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP HCM trong buổi tọa đàm về “thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng tại TP HCM” ngày 5/11.

 

Theo VKS tự đánh giá, cơ quan này đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp được dư luận quần chúng đồng tình. Tuy nhiên, hiện nay tội phạm tham nhũng ngày càng phức tạp, phổ biến ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có những nơi, những lĩnh vực xảy ra rất nghiêm trọng. Thủ phạm thực hiện tội phạm ngày càng tinh vi nên việc phát hiện và xử lý rất khó khăn.

 

Cũng theo cơ quan công tố, từ cuối năm 2007 đến tháng 8/2010, cơ quan điều tra hai cấp thụ lý 89 vụ, 178 bị can khởi tố về các tội tham nhũng (VKSND Tối cao ủy quyền thực hành quyền công tố, kiểm tra xét xử 10 vụ với 43 bị can). Trong đó, 1 bị can nguyên là thứ trưởng, 1 nguyên là phó vụ trưởng, 1 nguyên là bí thư quận, 8 bị can nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban các cấp, 19 người nguyên là giám đốc, phó giám đốc sở, ngành… Về trình độ học vấn, nhóm tội phạm về tham nhũng có hơn 40% từ đại học trở lên, hơn 50% có trình độ PTTH…

 

VKSND TP HCM cho rằng, tội phạm tham nhũng mà cơ quan điều tra đã khởi tố trong thời gian qua không hề có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí mức sống của họ cao hơn rất nhiều so với mức sống trung bình trong xã hội. Tuy nhiên chỉ vì lòng tham, muốn làm giàu bằng mọi giá, xem thường pháp luật mà họ đã thực hiện hành vi phạm tội. Tội phạm này thường tập trung nhiều ở các lĩnh vực như: quản lý sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao thông, tài chính, ngân hàng, thương mại…

 

Đánh giá về hậu quả do tội phạm tham nhũng gây ra, cơ quan công tố xác định, ngoài thiệt hại về tài sản, họ còn gây tác hại nghiêm trọng đến chính sách kinh tế - xã hội, làm mất danh dự, uy tín thể diện của quốc gia đối với các nhà tài trợ, các đối tác, tổ chức quốc tế.

 

Như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ “nhận hối lộ” xảy ra tại Ban QLDA Đại lộ Đông - Tây sử dụng vốn ODA của Nhật Bản hay vụ Mai Văn Dâu và đồng phạm “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “đưa, nhận, làm môi giới hối lộ” xảy ra tại Bộ Thương mại và một số tỉnh thành phố, liên quan đến việc cấp quota dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ…

 

Cũng tại buổi tọa đàm, VKS nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng như: tiếp tục đẩy mạnh biện pháp hành chính trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ở các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, công khai hóa các quy định của nhà nước; cần nghiên cứu mở rộng khái niệm tham nhũng và phạm vi phòng chống tham nhũng; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; chú trọng công tác đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm; cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho cán bộ, đảm bảo cuộc sống để họ toàn tâm, toàn ý cho công việc…