Đề nghị truy tố 14 bị can trong đường dây sản xuất tân dược giả

09:16, 13/01/2011

Ngày 12/1, Cơ quan CSĐT Công an T.P HCM đã có kết luận điều tra chuyển Viện KSND cùng cấp để đề nghị truy tố 14 bị can trong đường dây sản xuất và tiêu thụ thuốc tân dược cực lớn bị Công an TPHCM triệt phá vào ngy 25/1/2010.

 

Theo đó 14 bị can bị đề nghị truy tố, gồm: Huỳnh Văn Tiên, Hồ Thị Kiều Hoanh, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Minh Phụng, Lê Minh Bình, Lê Đình Tuấn, Nguyễn Duy Quốc và Vũ Văn Ngọc tội  “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”); Hồ Tấn Hoàng, Nguyễn Văn Kết, Nguyễn Minh Thành và Lê Văn Quang tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; Nguyễn Văn Phụng, Vũ Quốc Bình tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

 

Đáng chú ý, các bị can trong đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc tây giả có trình độ văn hóa chưa hết cấp 3, đa phần là họ hàng của nhau.

  

Ruột nội, vỏ ngoại

 

Tại cơ quan điều tra, Huỳnh Ngọc Tiên khai nhận sản xuất thuốc Tây giả từ tháng 7-2009, do Huỳnh Ngọc Quang (em ruột Tiên) hướng dẫn cách sản xuất và giới thiệu đầu mối mua nguyên liệu, bao bì thuốc giả.

 

Sau khi mua thuốc Tây do Việt Nam sản xuất và các loại thuốc có giá rẻ tại Trung tâm thương mại Dược phẩm - Trang thiết bị y tế (chợ thuốc tây quận 10). Tiên tháo nhãn mác, vỏ hộp rồi đặt gia công hoặc mua vỏ hộp, nhãn mác, tem các loại thuốc nước ngoài sản xuất (nhập khẩu vào Việt Nam) để dán nhãn mác và cho thuốc Tây nội vào hộp thuốc ngoại để bán lấy lời.

 

Nguồn vỏ hộp, nhãn thuốc (Voltaren), do Lê Văn Quang sản xuất và cung cấp cho Tiên. Vỏ hộp, nhãn mác các loại thuốc Terneurine H5000, Becozyme, Fugacar…, Tiên mua từ đối tượng tên Thu (không rõ lai lịch) chuyên bán thuốc Tây dạo tại chợ thuốc Tây quận 10 và từ đối tượng Đạt (ngụ quận Tân Phú) từ 1.000 đồng–2.000 đồng/bộ.

 

Các loại thuốc tây được Tiên giả nhiều nhất, gồm: thuốc giảm cân BVP, Celestamine, Amoxiciline, Cephalexin, Legalon, Polaramine, Neo codion, Alphachymotrysine choay, Cotaxoang, Imodium, Glow, Magne –B6, Voltaren, Vastaren, Ery, Nizoral, Calcium, Nibiol.

 

Riêng loại thuốc Voltaren 75mg của Tây Ban Nha sản xuất, Tiên mua thuốc Diclophenol của Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc bỏ vào; Thuốc Terneurine H5000 do Ý sản xuất, Tiên mua thuốc Newvita của Trung Quốc cho vào; và lấy thuốc Vincozym của Công ty Dược phẩm Bình Định để “chế” thành thuốc Becozyme của Pháp sản xuất…

 

Truy bắt tên cầm đầu

 

Cũng theo lời khai của Tiên và các bị can khác, để qua mắt công an, chúng chia ra nhiều nơi sản xuất thuốc giả. Chúng chỉ sản xuất ở mỗi nơi vài loại thuốc; tách biệt giữa nơi sản xuất với nơi chứa thuốc giả thành phẩm bằng cách thuê nhiều địa điểm vô vỏ hộp, chứa hàng.

 

Qua khám xét hàng chục điểm tại các quận 3, 7, 9, 10, 11, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh và Thủ Đức (TPHCM), lực lượng công an đã thu được hàng chục ngàn sản phẩm thuốc Tây giả cùng hàng trăm ký tem, vỏ, nhãn mác, vỏ hộp, bao bì vỉ thuốc các loại phục vụ việc sản xuất thuốc Tây giả.

 

Ngoài ra, công an còn thu số lượng lớn dụng cụ sản xuất, như: máy ép vỉ thuốc, máy dập thời hạn sử dụng thuốc, máy sấy dùng sấy màng co vỉ thuốc, máy cắt dùng để cắt vỉ thuốc, cân điện tử, máy dập bao bì…

 

Hiện cơ quan CSĐT Công an TPHCM vẫn đang truy bắt đối tượng Huỳnh Ngọc Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm Việt Pháp (trụ sở 284/57 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, cầm đầu đường dây) đang lẩn trốn.